Tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch

(BKTO) - Năm 2023, dự báo tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022.

2sdg.jpg
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội thu hút đông đảo công chúng và du khách quốc tế. Ảnh: Sở Du lịch Hà Nội

Khách du lịch đến Hà Nội tăng 27%

Thông tin tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại 02 Hội nghị lớn: “Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam” ngày 21/12/2022 và “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” ngày 15/3/2023, Thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành, triển khai nghiêm túc Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.

Thông qua việc triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi, phát triển, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.

Năm 2023, dự báo tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022 (bằng 82,7% so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19). Trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 138,1% so với năm 2022 (bằng 57% so với năm 2019).

Trong năm qua, Thành phố cũng đã cố gắng, nỗ lực theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tiếp tục được các tổ chức quốc tế vinh danh với các giải thưởng quan trọng như: Giải thưởng Điểm đến Thành phố hàng đầu thế giới năm 2022; Giải thưởng Điểm đến Thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023. Đây là điều kiện để tạo động lực thúc đẩy các du khách đến với Hà Nội năm 2024 và những năm tiếp theo.

Xây dựng chiến lược tổng thể về xúc tiến, quảng bá du lịch

Để triển khai các giải pháp hiệu quả hơn trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị Chính phủ xem xét sớm phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, xem xét đưa vào định hướng khu du lịch quốc gia 3 địa điểm tiềm năng của Hà Nội, gồm: khu du lịch Ba Vì, khu du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và hồ Đông Mô, khu di tích thắng cảnh du lịch Hương Sơn (chùa Hương) để tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch.

Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu ban hành cơ chế, chính sách (Nghị định, Thông tư) về hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp nhằm cụ thể hóa điều 5 Luật Du lịch 2017.

Qua đó, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các địa phương có thể chủ động xây dựng, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về kinh tế, về thủ tục giúp các doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế và trong nước để mở rộng, tiếp cận được các đối tác có tiềm năng.

Quan tâm, xây dựng chiến lược tổng thể về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn toàn quốc. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ, những năm vừa qua Thành phố Hà Nội đã ký hợp tác với CNN, tuy nhiên, việc này Bộ triển khai trên toàn quốc sẽ hiệu quả và tiết kiệm hơn./.

Cùng chuyên mục
Tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch