Tăng cường đầu tư thiết chế văn hóa cho vùng cao, vùng phên dậu

(BKTO) - Trong bối cảnh các cấp ngành đang đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa theo định hướng của Đảng, Nhà nước nhằm chấn hưng văn hóa, tạo "sức mạnh mềm" phát triển đất nước, việc tập trung đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao cho các vùng khó khăn, từ đó giảm bớt sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các khu vực là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

dsc_5135.jpg
Các thiết chế văn hóa là không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân. Ảnh: N.Lộc

Còn chênh lệch trong cơ hội thụ hưởng văn hóa giữa các vùng

Là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất cả nước, tỉnh Hòa Bình gặp nhiều thách thức trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Song với sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với văn hóa cơ sở, tỉnh đã nỗ lực xây mới, cải tạo hệ thống nhà văn hóa, sân thể thao (gọi chung là thiết chế văn hóa), từng bước đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân địa phương.

6-1-.jpg
Hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: N.Lộc

Xác định vai trò quan trọng của văn hóa, tỉnh Sơn La cũng rất chú trọng đầu tư thiết chế văn hóa cơ sở. Ông Phạm Hồng Thu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã có 10 nhà văn hóa cấp huyện; 185/204 nhà văn hóa cấp xã; 2.898 nhà văn hóa cấp bản. Duy trì hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng, hơn 510 câu lạc bộ thể thao ở cơ sở. Đây là những nhân tố tích cực trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân.

Nhận thấy hệ thống thiết chế văn hóa là cầu nối quan trọng để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, rèn luyện sức khỏe của nhân dân.

Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), việc phát huy hiệu quả của các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao giữa các khu vực trong cả nước, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Bộ VHTTDL, tại các địa bàn vùng khó khăn, việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa còn gặp nhiều trở ngại. 

Trong đó, nổi cộm là tình trạng thiếu kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa; nhiều thiết chế cơ sở xuống cấp; trang thiết bị ở một số thiết chế chưa đảm bảo; kinh phí hỗ trợ hoạt động nhà văn hóa còn hạn chế, chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hóa nên chưa đáp ứng được hoạt động...

Từ thực tiễn địa bàn, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu Lương Chiến Công cho biết, nhiều nhà văn hóa được đầu tư xây dựng chưa đảm bảo diện tích, công năng và trang thiết bị phục vụ hoạt động theo quy định.

“Tại các khu vực vùng sâu, biên giới, do không có thiết chế văn hóa, nên đa phần hoạt động văn hóa, thể thao được diễn ra ngoài trời, không đảm bảo điều kiện” - ông Công cho biết.

Đảm bảo gắn với nhu cầu của người dân, tránh lãng phí 

Nhấn mạnh các thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua việc tạo điều kiện cho sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đến gần với nhân dân, PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa là một trong những yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. 

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa mới phải gắn với nhu cầu của người dân địa phương, tránh tình trạng xây dựng xong không được khai thác, sử dụng hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực.

“Không phải cứ có chủ trương đầu tư, là đầu tư bằng được mà không theo quy hoạch, hoặc không tìm hiểu, đáp ứng nhu cầu của người dân, gắn với văn hóa, phong tục của đồng bào” - ông Sơn nhấn mạnh.

Khẳng định mọi nguồn lực đầu tư, dù của Nhà nước hay tư nhân dành cho các khu vực khó khăn đều đáng quý, các chuyên gia văn hóa cũng lưu ý tình trạng nhiều nhà văn hóa thường xuyên “cửa đóng then cài”, thậm chí là bỏ hoang. 

Có nhiều lí do dẫn đến tình trạng này, song theo các chuyên gia: Thiết chế văn hóa là không gian công cộng, dành cho cộng đồng, là nơi giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng, lan tỏa những giá trị văn hóa, nhưng một khi những mục đích căn bản đó không đạt được thì đây là một sự lãng phí.

vh.jpg
Dù điều kiện còn khó khăn, song tỉnh Sơn La vẫn quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Ảnh: N.Lộc

Do đó, cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa hiện có…

PGS,TS. Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kinh phí đầu tư cho xây dựng văn hóa ở vùng núi chưa thật sự đúng mức; việc phân bổ cũng chưa hợp lý. Theo ông Sơn, đây cũng là vấn đề cần lưu ý khi triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn cho văn hóa.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong nguồn lực đầu tư cho thiết chế văn hóa, hiện Bộ VHTTDL đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030. 

Một trong những nội dung đáng chú ý là Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030: 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa; cấp huyện có Trung tâm văn hóa - thể thao; cấp xã có nhà văn hóa, ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa... 

“Khi được triển khai, Chương trình sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho người dân miền núi, vùng biên giới, vùng khó khăn” - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết; đồng thời khẳng định với sự điều phối thống nhất của chương trình ở cấp độ quốc gia sẽ góp phần khắc phục được tình trạng đầu tư “mạnh ai nấy làm” như vừa qua.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở rất lớn, Bộ sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành để rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đầu  theo phương thức đối tác công tư, Luật Thuế… để tạo ra một cơ chế khơi thông nguồn lực, lấy đầu tư công và nguồn lực xã hội để bổ sung cho văn hóa.

Cùng chuyên mục
Tăng cường đầu tư thiết chế văn hóa cho vùng cao, vùng phên dậu