Tăng mức hỗ trợ đối với các tổ chức và đội ngũ cán bộ hoạt động ở cơ sở

(BKTO) - Trên cơ sở cân đối ngân sách của Thành phố, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất tăng 50% mức khoán kinh phí quy định tại Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND, hỗ trợ thiết thực hoạt động thường xuyên của các tổ chức cấp xã và chỉ hỗ trợ đối với hoạt động của Chi hội tổ chức thuộc thôn, tổ dân phố (TDP)…

quang-canh-hoi-nghi.jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề với chủ đề “Phụ nữ vun đắp hạnh phúc gia đình”. Ảnh: phunuthudo.com.vn

Đề xuất tăng 50% mức khoán kinh phí cho hoạt động của các tổ chức cấp xã

Trình bày dự thảo Tờ trình và Nghị quyết của UBND Thành phố Hà Nội về chức danh, cơ cấu, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, TDP trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn cho biết: Hiện mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã đang thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của HĐND Thành phố

Theo đó, xã, phường, thị trấn loại 1 được khoán 48 triệu đồng/tổ chức/năm; loại 2 được khoán 44 triệu đồng/tổ chức/năm; cấp xã loại 3 được khoán 40 triệu đồng/tổ chức/năm. Thời điểm ban hành Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND, mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng, nay đã tăng 63%, lên 1,8 triệu đồng.

Trên cơ sở cân đối ngân sách của Thành phố, UBND đề xuất tăng 50% mức khoán kinh phí quy định tại Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND, hỗ trợ thiết thực hoạt động thường xuyên của các tổ chức cấp xã và chỉ hỗ trợ đối với hoạt động của Chi hội tổ chức thuộc thôn, TDP.

Cụ thể, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp xã được khoán kinh phí hoạt động như sau: Xã, phường, thị trấn loại 1 là 72 triệu đồng/tổ chức/năm, loại 2 là 66 triệu đồng/tổ chức/năm, loại 3 là 60 triệu đồng/tổ chức/năm.

Cùng với đó, UBND Thành phố đề nghị giữ nguyên 10 chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND và đề nghị bố trí cơ cấu người hoạt động không chuyên trách như sau: Các chức danh Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn bố trí 1 người; các chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bố trí theo quy định của Luật và Điều lệ của các tổ chức chính trị xã hội và các văn bản pháp luật hiện hành.

Với chức danh Văn phòng Đảng ủy ở Đảng bộ xã, phường, thị trấn quản lý dưới 500 đảng viên: bố trí 1 người; từ 500 đến dưới 1.500 đảng viên: bố trí không quá 2 người; từ 1.500 đảng viên trở lên: bố trí không quá 3 người. Các xã, phường, thị trấn bố trí chức danh, số lượng từng chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo không vượt quá số lượng được giao hàng năm.

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu cụ thể các mức phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP; quy định bổ sung về một số nội dung hưởng phụ cấp kiêm nhiệm; mức hỗ trợ hàng tháng, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, TDP...

Để đảm bảo thực hiện Nghị quyết này, dự kiến tổng kinh phí chi trong 1 năm là hơn 1.408,5 tỷ đồng, trong đó: Mức khoán từ quỹ ngân sách Trung ương chi phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, TDP trong 1 năm là 884,164 tỷ đồng; kinh phí Thành phố bổ sung đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hơn 102 tỷ đồng; kinh phí khoán đối với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội hơn 187 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ là 34,7 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, TDP hơn 200,4 tỷ đồng.

Mức khoán kinh phí hoạt động không nên cào bằng

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Tờ trình và Nghị quyết, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, mức phụ cấp kiêm nhiệm cần có định hướng các chức danh có thể kiêm nhiệm ở cấp xã, thôn, TDP để thực hiện thống nhất.

Mức khoán kinh phí hoạt động đối với Mặt trận tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp xã có cao hơn so với Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND nhưng còn thấp so với thực tế hoạt động và mức tăng lương cơ sở (tăng 63%), trong khi đó quy định chỉ tăng 50%. Mức khoán kinh phí hoạt động của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã cần căn cứ trên cơ sở nội dung, khối lượng hoạt động và tiền hội phí, đoàn phí của từng tổ chức, không nên cào bằng.

Đại diện một số quận, huyện cho rằng, cần nghiên cứu kỹ trước khi ban hành Nghị quyết, tránh việc nhiều TDP tăng quy mô số hộ dân lên gấp đôi, trong khi cán bộ kiêm nhiệm còn 2 người, khối lượng công việc rất lớn, không thể đảm nhiệm hết được. Ngoài ra, các xã và phường khác nhau về khối lượng công việc nên cũng cần nghiên cứu kỹ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng về tiêu chuẩn của người hoạt động không chuyên trách, bởi từ ngày 01/7/2023 thực hiện cải cách chế độ tiền lương, không còn lương cơ sở, trong khi mức phụ cấp thực hiện theo Nghị quyết này căn cứ vào lương cơ sở.

Các ý kiến tại Hội nghị đều đánh giá, Nghị quyết của HĐND Thành phố là cần thiết, cần sớm được ban hành để phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật mới và thay thế những nghị quyết đã ban hành, vì có hiệu lực đã lâu, nhiều biến động, thay đổi. Các chính sách đưa ra trong dự thảo cơ bản bám sát các quy định pháp luật, nhất là rất sát Nghị định 33/2023/NĐ-CP và điều kiện thực tế ở Hà Nội hiện nay.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương trân trọng cảm ơn sự quan tâm, góp ý tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, thành viên hội đồng tư vấn, nhà quản lý, lãnh đạo các quận, huyện, các tổ chức thành viên...

Dự thảo Nghị quyết lần này thể hiện tính vượt trội hơn hẳn so với các Nghị quyết trước đây HĐND Thành phố đã ban hành, cho thấy sự tôn vinh, trân trọng hơn với đóng góp của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thống nhất cao với các ý kiến đã được nêu ra tại đây và đề nghị Sở Nội vụ tiếp thu, báo cáo đầy đủ ngay với Ban cán sự UBND Thành phố để tiếp cận với những gì tối ưu nhất trước khi ban hành Nghị quyết.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội đề nghị ban soạn thảo lưu ý hoàn thiện hình thức và nội dung Nghị quyết, trong đó chau chuốt hoàn thiện ngôn ngữ soạn thảo văn bản, tên Nghị quyết nên đi thẳng vào quy định, trong căn cứ pháp lý bổ sung một số Luật có tác động trực tiếp tới những đối tượng được thụ hưởng của Nghị quyết...

Tại Kỳ họp HĐND Thành phố cuối năm nay, sẽ có 5 nghị quyết chuyên đề khác nhau liên quan chế độ chính sách được ban hành, trong đó có dự thảo Nghị quyết này, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương thông tin./.

Cùng chuyên mục
Tăng mức hỗ trợ đối với các tổ chức và đội ngũ cán bộ hoạt động ở cơ sở