
Nhiều giải pháp thúc đẩy đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Theo Kế hoạch số 43/KH-UBND triển khai thực hiện Kết luận số 246-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho thấy, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 7.574 lao động xuất cảnh sang nước ngoài làm việc. Thông qua mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, các ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ kết nối, tạo việc làm cho người lao động duy trì tốt với các đối tác tuyển dụng lao động làm việc tại các thị trường trọng điểm có thu nhập cao, phù hợp với lao động Đồng Tháp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Nổi bật là các chương trình tuyển lao động thời vụ, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp được các sở, ngành, địa phương khai thác hiệu quả. Người lao động tham gia làm việc thời vụ được hưởng các chính sách hỗ trợ chi phí làm hồ sơ, thủ tục...
Từ năm 2022-2023, tỉnh đã tổ chức 12 đoàn công tác sang Nhật Bản, Hàn Quốc, 63 lượt cán bộ đi khảo sát thực tế và làm việc với đối tác ở nước ngoài. Riêng năm 2024, tỉnh đã tổ chức 5 đoàn công tác sang nước ngoài, 16 lượt cán bộ tham gia đoàn. Qua khảo sát, tìm hiểu, hầu hết lao động của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài có việc làm phù hợp, điều kiện lao động tốt và thu nhập ổn định. Trung tâm Dịch vụ việc làm thường xuyên hướng dẫn cho người lao động, chuẩn bị các điều kiện phù hợp hạn chế thấp nhất vướng mắc về thủ tục, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận, hoàn thiện hồ sơ và xuất cảnh thuận lợi.
Trong công tác tuyên truyền, các sở ngành cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia chương trình. Các Tổ nhân dân tự quản, Hội quán duy trì tuyên truyền, lồng ghép nội dung chính sách, pháp luật và ý nghĩa chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua cuộc họp định kỳ. Câu lạc bộ Gia đình có con, em đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục hoạt động hiệu quả. Các thành viên Câu lạc bộ thường xuyên chia sẻ thông tin, động viên các hộ gia đình cho con, em tham gia đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến lực lượng quân nhân xuất ngũ, học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Từ năm 2021 đến nay, thông qua 113 phiên giao dịch việc làm được tổ chức có hơn 30.800 lượt người tham gia tư vấn, đăng ký, tìm việc làm, trên 8.100 lượt người được tư vấn, giới thiệu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Để giúp người lao động giảm bớt áp lực về chi phí, tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người tham gia chương trình học và thực hành tại doanh nghiệp ở nước ngoài. Qua triển khai thực hiện chính sách, từ năm 2021 đến nay, các ngành liên quan đã hỗ trợ không hoàn lại cho 8.200 lượt lao động học nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, khám sức khỏe, với tổng kinh phí hơn 22,5 tỷ đồng.
Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trong tỉnh đã giải ngân cho 4.815 lao động vay vốn làm chi phí đi làm việc ở nước ngoài, với tổng số tiền hơn 360 tỷ đồng. Riêng năm 2024, thông qua công tác giải ngân, có 1.254 lao động được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khi tham gia chương trình với tổng số tiền hơn 88,8 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn tham gia đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao thu nhập, chuyển đổi ngành, nghề, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp.

Các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thoát nghèo bền vững
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng được các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, huyện, thành phố trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát huy hiệu quả.
Theo đánh giá của các sở, ngành chức năng của địa phương, số lao động của tỉnh Đồng Tháp làm việc ở nước ngoài gia tăng đáng kể theo từng năm; nhiều lao động sau khi hoàn thành hết hợp đồng làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tiếp tục trở lại làm việc hoặc nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước tiếp tục khởi nghiệp bằng việc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán... để phát triển kinh tế gia đình. Các mô hình kinh doanh của lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả, thu nhập ổn định, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương.
Phần lớn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng có thời gian làm việc là 3 năm, tổng số tiền tích lũy sau 3 năm làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc từ 600 triệu - 800 triệu đồng/người. Với mức thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 27 - 35 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cần thiết, mỗi tháng, người lao động gửi về gia đình từ 20 - 25 triệu đồng. Riêng đối với lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, tổng thu nhập từ hơn 90 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/người (sau khi trừ chi phí).
Bình quân mỗi năm, tổng số tiền người lao động Đồng Tháp gửi về gia đình khoảng 1.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo; 100% gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo có người đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm sâu còn khoảng 1,11% vào cuối năm 2024./.