Nâng cao hiệu quả kiểm tra, đối chiếu thuế đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Qua thực tiễn kiểm tra, đối chiếu, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát hiện và kiến nghị tăng thu ngân sách với số tiền thuế truy thu từ các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Do đó, cần thiết phải tăng cường, nâng cao hiệu quả từ công tác kiểm tra, đối chiếu thuế đối với các DN này, các đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, cần phải có hướng dẫn kiểm tra, đối chiếu thuế đối với DN ngoài quốc doanh khi thực hiện kiểm toán.

dsc_3208.jpg
Kiểm toán viên còn gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, đối chiếu thuế đối với các DN ngoài quốc doanh. Ảnh tư liệu

Khó khăn trong việc đối chiếu thuế

Theo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, sự phức tạp cả về quy mô và tính chất hoạt động của các DN ngoài quốc doanh trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay đã tạo áp lực lớn cho công tác kiểm tra thuế trong việc đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, tránh nguy cơ bị thất thu thuế. Mặc dù công tác kiểm tra thuế đối với DN ngoài quốc doanh tại cơ quan thuế ngày càng được siết chặt, song chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát sinh trong tình hình mới.

Điều này được thể hiện rõ qua công tác kiểm toán của KTNN thời gian qua. Cụ thể, năm 2017, KTNN đã kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng tại 2.344 DN được đối chiếu thuế. Năm 2019, KTNN xác định số phải nộp tăng thêm qua đối chiếu thuế là 585,236 tỷ đồng tại 1.345 DN ngoài quốc doanh…

Qua công tác kiểm toán cho thấy, các vi phạm chính sách thuế đã diễn ra ở hầu hết địa phương, với mọi loại hình DN, đặc biệt là DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài; công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế chưa hiệu quả, còn bỏ sót nhiều vi phạm của DN như: kê khai thiếu doanh thu chịu thuế, sai thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng điều khoản miễn giảm thuế thu nhập DN không phù hợp, xác định chưa đúng số thu tiền sử dụng đất; công tác miễn, giảm, hoàn thuế của cơ quan thuế một số nơi chưa đúng quy định…

KTNN đang xây dựng hướng dẫn đối với hoạt động kiểm tra, đối chiếu thuế tại các DN ngoài quốc doanh. Các đơn vị kiểm toán cho rằng, việc sớm ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động kiểm tra, đối chiếu thuế trong quá trình kiểm toán là vô cùng cần thiết để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, cũng như tạo thuận lợi cho kiểm toán viên khi tham gia hoạt động đối chiếu đối với các DN ngoài quốc doanh. 

Khẳng định vai trò quan trọng của công tác đối chiếu thuế đối với các DN tư nhân, song theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm, qua thực tiễn kiểm toán cho thấy, do hoạt động kiểm tra, đối chiếu thuế không thực hiện tại các đơn vị được đối chiếu mà chủ yếu chỉ thực hiện qua hồ sơ kê khai, quyết toán thuế của đối tượng nộp thuế tại đơn vị quản lý thu nên việc tiếp cận tài liệu của đoàn kiểm toán toán còn gặp khó khăn. Nhiều DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài không cung cấp hồ sơ, tài liệu một cách kịp thời, đặc biệt, có DN còn không hợp tác khi có yêu cầu của KTNN. “Tình trạng này khiến cho việc thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán gặp rất nhiều khó khăn” - ông Kiểm cho biết.

Nêu rõ thêm về những khó khăn này, lãnh đạo KTNN chuyên ngành II cho biết, trên thực tế, số lượng đối tượng nộp thuế là rất lớn, lại diễn ra trên địa bàn rộng, do đó, số mẫu chọn kiểm toán chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số đối tượng quản lý. Ngoài ra, các đơn vị được đối chiếu cũng tìm cách tránh né, thường cung cấp tài liệu vào thời điểm chuẩn bị kết thúc cuộc kiểm toán, bởi vậy, đoàn kiểm toán khó có đủ thời gian để thực hiện đối chiếu. Bên cạnh đó, năng lực còn hạn chế của kiểm toán viên; thiếu hướng dẫn về kiểm tra, đối chiếu thuế, nhất là đối với các DN ngoài quốc doanh… cũng là khó khăn mà KTNN gặp phải khi thực hiện nội dung kiểm toán này.

Tạo thuận lợi, thống nhất cho hoạt động kiểm tra, đối chiếu thuế

Trên cơ sở chỉ ra thực trạng kiểm tra, đối chiếu thuế cũng như sự cần thiết phải tăng cường đối chiếu thuế qua công tác kiểm toán vừa qua, các đơn vị kiểm toán cho rằng cần phải có hướng dẫn cụ thể về công tác này để tạo thuận lợi cho các đoàn kiểm toán trong quá trình triển khai thực hiện.

Nhấn mạnh kiểm tra, đối chiếu thuế đối với các DN ngoài quốc doanh, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài thường rất phức tạp, nhất là trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương do việc xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm tra, đối chiếu tại DN ngoài quốc doanh chưa được thể hiện riêng mà nằm trong mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán thu ngân sách, do đó KTNN khu vực VII đề xuất việc lựa chọn đơn vị để kiểm tra, đối chiếu cần được thực hiện theo các bước: Thu thập thông tin liên quan đến DN do cơ quan thuế cung cấp; Phân tích, thông tin từ các chỉ tiêu chủ yếu trên báo cáo tài chính và đánh giá thông tin.

“Kiểm toán viên sau khi đã thu thập tài liệu phải tiến hành nghiên cứu, phân tích thông tin là các tài liệu, hồ sơ do đơn vị được kiểm toán cung cấp hoặc do kiểm toán viên thu thập được từ bên ngoài đơn vị được kiểm toán; Thông tin thu thập được có thể là thông tin tài chính, phi tài chính, trên cơ sở đó đề xuất lựa chọn đơn vị để đối chiếu” - Trưởng phòng Kiểm toán ngân sách 1 (KTNN khu vực VII), ông Trần Thế Hưng cho biết.

Đồng quan điểm, các đơn vị kiểm toán cũng lưu ý thêm một số lĩnh vực cần lưu tâm khi lựa chọn để đối chiếu như: Ngành nghề kinh doanh của DN liên quan đến mức độ rủi ro cao; các DN có quy mô lớn;... Đồng thời, tùy theo nội dung đối chiếu, đoàn kiểm toán xác định kế hoạch kiểm tra, đối chiếu một hoặc các sắc thuế cho phù hợp với từng DN được kiểm tra, đối chiếu, song phải bám sát kế hoạch kiểm toán, các quy định về hoạt động kiểm toán của KTNN. “Việc lựa chọn đơn vị kiểm tra, đối chiếu cần có sự phối hợp để hạn chế trùng lắp, chồng chéo với việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng khác” - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương nhấn mạnh.

Lưu ý đặc điểm của các DN ngoài quốc doanh, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài thường gắn với các giao dịch liên kết, các KTNN khu vực cho rằng, khi thực hiện kiểm toán, đoàn kiểm toán cần tập trung nhận diện DN có giao dịch liên kết thông qua việc phân tích, đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, các khoản phải thu, các khoản phải trả, góp vốn liên doanh, vay ngắn hạn, vay dài hạn để xác định được tổ chức cá nhân có quan hệ liên kết với DN theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết để tránh nguy cơ thất thu ngân sách. 

Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả kiểm tra, đối chiếu thuế đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh