ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban Đề tài, trong tổng số chi ngân sách nhà nước (NSNN) nói chung và chi NSNN của một địa phương, chi các hoạt động kinh tế thường chiếm tỷ trọng lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của địa phương.
Khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ngân sách luôn phải chú trọng việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế gắn với kế hoạch tài chính chi hoạt động kinh tế cụ thể. Chính vì vậy, kiểm toán chi hoạt động kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) và là một trong những nội dung kiểm toán trọng yếu trong kiểm toán hoạt động NSĐP.
Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Chuẩn mực KTNN số 300 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động, Chuẩn mực KTNN số 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động; ban hành Hướng dẫn kiểm toán hoạt động.
Tuy nhiên, đến nay, các cuộc kiểm toán hoạt động chưa thực hiện được nhiều.
Đối với NSĐP, KTNN đã ban hành hướng dẫn xây dựng mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện năm 2015 và tổ chức nhiều cuộc kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện.
Các cuộc kiểm toán này đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc nội dung kiểm toán rộng, bao quát toàn diện cả thu lẫn chi ngân sách, niên độ ngân sách được kiểm toán chỉ là một năm nên nhiều vấn đề chưa được giải quyết đầy đủ.
Vì vậy, nhóm tác giả nghiên cứu Đề tài “Xây dựng Đề cương kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế” nhằm góp phần đổi mới phương thức tổ chức loại hình kiểm toán hoạt động để có đầy đủ cơ sở, bằng chứng kiểm toán thuyết phục nhằm đưa ra các ý kiến kiểm toán chuyên sâu, mang tính định hướng dựa trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực tiễn.
Từ đó, tư vấn điều chỉnh chính sách và cách thức tổ chức thực hiện chính sách ngày càng hiệu quả hơn; góp phần phát triển đa dạng hóa các nội dung kiểm toán, từng bước tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Ban Đề tài đã đề xuất một số giải pháp tổ chức kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế như nhóm giải pháp về: Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho kiểm toán viên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; công tác tổ chức hoạt động kiểm toán.
Đồng thời, cần kết hợp một số giải pháp khác như: Xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị được kiểm toán trong việc cung cấp quyền khai thác dữ liệu, tài liệu của các đơn vị được kiểm toán.
Xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán toàn Ngành; nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán và công tác thẩm định kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán…
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá, việc xây dựng Đề cương kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi ngân sách địa phương lĩnh vực kinh tế là cần thiết nhằm gợi mở hướng dẫn việc tổ chức cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu để có thể vận dụng xây dựng đề cương cuộc kiểm toán hoạt động.
Để Đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần vào việc đa dạng hóa các nội dung kiểm toán, từng bước tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài bổ sung, làm rõ phạm vi nghiên cứu; lý luận về kiểm toán hoạt động; thực trạng kiểm toán hoạt động NSĐP của KTNN; đặc điểm chi NSĐP liên quan đến kiểm toán hoạt động…
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.