Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng xanh cho doanh nghiệp

(BKTO) - Việc lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang dần trở thành xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, các DN vẫn gặp khá nhiều rào cản trong việc tiếp cận nguồn tín dụng xanh để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất theo hướng “xanh hóa”.

14.jpg
Nhu cầu của các DN về nguồn vốn tín dụng xanh được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Tín dụng xanh mới chiếm gần 5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển tín dụng xanh đã được ban hành, nhờ đó, tín dụng xanh đã có những kết quả tăng trưởng tích cực. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng xanh đang gia tăng theo từng năm, tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hiện dư nợ tín dụng xanh mới chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế cho thấy các DN vẫn chưa tiếp cận được nhiều nguồn tín dụng này, trong khi dư địa để phát triển tín dụng xanh còn khá lớn.

Đề cập đến nguyên nhân, ông Lực cho rằng, trước hết, Việt Nam chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, thống nhất liên quan đến việc triển khai tín dụng xanh, như: Tiêu chí môi trường và tiêu chí xác nhận khoản vay xanh, dự án xanh, dẫn đến khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi lựa chọn, thẩm định và xét duyệt hồ sơ vay vốn tín dụng xanh. Bên cạnh đó, tại các ngân hàng có triển khai sản phẩm tín dụng xanh đa phần mới tập trung vào một số lĩnh vực, như: Nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…, do đó đã hạn chế DN có thể tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận DN cũng còn hạn chế, dẫn đến DN bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường, ảnh hưởng hoặc thậm chí làm gián đoạn tiến độ triển khai dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ, khiến nhiều ngân hàng còn e ngại trong việc cấp tín dụng xanh cho DN.

Về phía ngành ngân hàng, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh, thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, do đó, các tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn trong việc cân đối vốn và đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn, đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tín dụng xanh, tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội sẽ khiến các tổ chức tín dụng phát sinh chi phí đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Đồng thời, năng lực chuyên môn của cán bộ ngân hàng về tài trợ dự án xanh, dự án phát triển bền vững cũng còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến việc thẩm định cho vay vốn...

Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, cộng đồng DN ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò, xu thế tất yếu và tác động tích cực của mô hình sản xuất, kinh doanh theo định hướng phát triển xanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường, nhất là các đối tác nước ngoài. Trong bối cảnh đó, nhu cầu của các DN về nguồn vốn tín dụng xanh được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, vì vậy cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng xanh của DN.

Đưa khuyến nghị cụ thể, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng, các Bộ, ngành cần rà soát, tham mưu Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý để có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, để các ngân hàng “mặn mà” hơn với việc phát triển tín dụng xanh, Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các ngân hàng, như: Được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; được cấp bù lãi suất chênh lệch... Đối với các ngân hàng, để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn tín dụng xanh, cần chủ động nghiên cứu, phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng xanh nhằm đáp ứng rộng rãi hơn nhu cầu của DN; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho DN về mặt thủ tục vay vốn…

Về phía DN, để tiếp cận vốn vay thành công, bà Phạm Thị Thanh Tùng lưu ý, các DN cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động; tích cực thể hiện vai trò, trách nhiệm với môi trường, xã hội, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay vốn.

Về phía cơ quan quản lý, bà Tùng cho biết, nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn hoạt động tín dụng xanh sau khi Danh mục phân loại xanh quốc gia được ban hành; hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng để đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức tín dụng trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh, dự án có lợi ích về môi trường, xã hội./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng xanh cho doanh nghiệp