Nâng cao năng lực, chất lượng kiểm soát cuộc kiểm toán ngân sách địa phương

(BKTO) - Theo yêu cầu của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN), kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), với đặc thù là lĩnh vực kiểm toán có phạm vi rộng, nhiều nội dung, đầu mối kiểm toán cần phải được tăng cường kiểm soát để phòng ngừa, kịp thời phát hiện các vi phạm nảy sinh trong hoạt động kiểm toán. Các đơn vị cần chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực kiểm soát, trên cơ sở tuân thủ đúng quy trình, quy định liên quan, cũng như chỉ đạo của lãnh đạo KTNN…



                
   

Cần tăng cường kiểm soát và nâng cao năng lực, chất lượng kiểm soát kiểm toán NSĐP. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Đa dạng các hình thức kiểm soát

Theo quy định của KTNN, hiện nay, nhiệm vụ kiểm soát chất lượng kiểm toán(KSCLKT) do nhiều đơn vị thực hiện, trong đó Vụ Chế độ và KSCLKT đóng vai trò quan trọng nhất. Đối với việc KSCLKT lĩnh vực kiểm toán NSĐP, Vụ đã thành lập Phòng NSĐP để thực hiện chức năng này một cách chuyên sâu.

Theo đại diện Phòng NSĐP, công tác KSCLKT được thực hiện với nhiều hình thức, trong đó có kiểm soát trực tiếp. Bộ phận kiểm soát sẽ tập trung kiểm soát bằng chứng kiểm toán; tập trung vào nội dung, tổ kiểm toán có nhiều phát hiện kiểm toán như, đối chiếu thuế, các đơn vị kiểm toán tổng hợp như Sở Tài chính, Cục thuế, cơ quan hải quan.

“Đoàn kiểm soát tiếp cận các tài liệu tổ, đoàn kiểm toán đã khai thác để đưa ra các ý kiến, giúp tổ kiểm toán có thể khắc phục ngay trong quá trình kiểm toán” - đại diện lãnh đạo Phòng cho biết.

Theo đó, căn cứ vào báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu của các đơn vị sự nghiệp có thu được kiểm toán lựa chọn để kiểm tra, đối chiếu để kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán viên. Đoàn kiểm soát sẽ xem xét lý do lựa chọn đơn vị đối chiếu và các nội dung thuyết minh báo cáo tài chính để đưa ra ý kiến về việc xử lý phát hiện kiểm toán của kiểm toán viên.

Ngoài hình thức kiểm soát trực tiếp, Vụ Chế độ và KSCLKT còn thực hiện kiểm soát dựa trên hồ sơ, tài liệu được đoàn kiểm toán cung cấp. Cụ thể, đơn vị tập trung nghiên cứu dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT), xem xét các phát hiện số liệu lớn, rà soát các kiến nghị kiểm toán khác để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành. “Phòng NSĐP sẽ tập trung kiểm tra các trọng tâm kiểm toán đã được trình bày trong các dự thảo BCKT chưa? Các kết quả kiểm toán đã viện dẫn đầy đủ cơ sở pháp lý chưa? Các kết quả kiểm tra đối chiếu thuế của doanh nghiệp đã đảm bảo phù hợp với quy định Luật thuế và các văn bản hướng dẫn chưa?…” - lãnh đạo Phòng NSĐP dẫn chứng.
         
Vụ Chế độ và KSCLKT đang thực hiện nhiều hình thức kiểm soát như, kiểm soát trực tiếp, kiểm soát hồ sơ sau phát hành BCKT, chú trọng kiểm soát đột xuất, kiểm soát công tác tổ chức KSCLKT của Kiểm toán trưởng… Trong đó, công tác kiểm soát tập trung đi sâu kiểm soát kỹ bằng chứng kiểm toán; xem xét khả năng bỏ sót kết quả kiểm toán, việc tuân thủ quy trình, nội dung, phạm vi kiểm toán… từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo với đoàn kiểm toán.

“Kết quả KSCLKT được lãnh đạo Ngành đánh giá cao, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa vi phạm trong hoạt động kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán chung” - lãnh đạo Vụ Chế độ và KSCLKT cho biết.

Bên cạnh nhiệm vụ kiểm soát do Vụ Chế độ và KSCLKT thực hiện, các đơn vị kiểm toán cũng ngày càng chú trọng và tăng cường công tác kiểm soát nội bộ tại các đoàn kiểm toán.

Có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên Hoàng Mạnh Hùng (KTNN khu vực II) cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác KSCLKT. Xuất phát từ đặc thù của lĩnh vực kiểm toán NSĐP có nhiều đầu mối kiểm toán, phạm vi rộng nên dù đoàn kiểm toán có nỗ lực, cố gắng thì cũng khó tránh khỏi thiếu sót. “Nhờ vào việc kiểm soát, bao gồm kiểm soát bên trong (đoàn kiểm toán, đơn vị kiểm toán) và kiểm soát từ bên ngoài với nhiều hình thức kiểm soát giúp cho đoàn kiểm toán nhìn nhận rõ hơn thiếu sót, từ đó kịp thời khắc phục để hướng đến đạt chất lượng kiểm toán cao nhất” - ông Hùng nói và cho biết thêm, hoạt động kiểm soát luôn được lãnh đạo đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện ngay từ đầu cuộc kiểm toán.

Theo KTNN khu vực IV, nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác KSCLKT trong việc nâng cao chất lượng kiểm toán, nhất là cuộc kiểm toán NSĐP tại địa phương có quy mô lớn như của TP. HCM, lãnh đạo đơn vị đã thường xuyên chỉ đạo, quán triệt quy chế kiểm soát của Ngành, rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kiểm soát nội bộ đối với những tồn tại, hạn chế qua kiểm soát, từ đó làm tốt hơn cho các cuộc kiểm toán sau.

Tiếp tục tập trung, nâng cao năng lực, chất lượng KSCLKT

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện KSCLKT đối với lĩnh vực NSĐP còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Khó khăn này xuất phát từ đặc thù lĩnh vực NSĐP với nhiều nội dung kiểm toán, đòi hỏi kiểm toán viên phải có kiến thức, kinh nghiệm về các lĩnh vực ngân sách, chi thường xuyên, đầu tư; trong khi bộ phận kiểm soát chủ yếu được đào tạo về lĩnh vực tài chính hoặc đầu tư xây dựng cơ bản nên chất lượng công tác kiểm soát chưa cao.
                
   

Cần tăng cường các hình thức kiểm soát, chú trọng kiểm soát từ bên trong đoàn kiểm toán. Ảnh tư liệu

   

Đề cập đến giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn này, đại diện Phòng NSĐP (Vụ Chế độ và KSCLKT) cho biết, trước hết, KTNN cần tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn cho các kiểm toán viên tham gia KSCLKT đối với lĩnh vực NSĐP, tăng cường nâng cao kỹ năng tổng hợp, viết báo cáo kiểm soát; tiếp tục quan tâm đến đội ngũ tham gia vào nhiệm vụ kiểm soát, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng của nguồn nhân sự này.

Lưu ý trong công tác kiểm soát, cần tập trung thực hiện kiểm soát trên các nội dung trọng yếu trong BCKT; việc thực hiện quy trình kiểm toán, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán; kiểm soát lĩnh vực, vấn đề nhạy cảm như đầu tư, đối chiếu thuế; kiểm soát bằng chứng kiểm toán; phát hiện các kết quả kiểm toán bỏ sót…

Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi, phối hợp với các KTNN khu vực để hiểu biết về đặc thù, quy mô ngân sách của từng địa phương; từ đó có định hướng phù hợp trong công tác kiểm soát. Đồng thời, các đơn vị kiểm toán cần chú trọng việc ghi chép, phản ánh kết quả kiểm toán trên hệ thống nhật ký điện tử, tạo thuận lợi cho việc thực hiện giám sát, cũng như rà soát việc tổng hợp kết quả kiểm toán vào BCKT.

Từ thực tiễn công tác kiểm soát, nhiều KTNN khu vực cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác KSCLKT nội bộ đối với đoàn kiểm toán, của trưởng đoàn đối với tổ kiểm toán... Việc kiểm soát phải tập trung phát hiện các thiếu sót trọng yếu của kiểm toán viên, ngăn chặn tiêu cực; chú trọng kiểm soát việc xác định trọng tâm kiểm toán, chọn mẫu kiểm toán, sự thống nhất số liệu giữa các hồ sơ, sự đầy đủ và chất lượng của bằng chứng kiểm toán../.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Nâng cao năng lực, chất lượng kiểm soát cuộc kiểm toán ngân sách địa phương