Nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá

(BKTO) – Tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) vừa tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

thuoc-la2612.jpg
Quang cảnh Hội nghị tập huấn. Ảnh: Thùy Anh

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế - cho biết: Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15-24 tuổi (năm 2020 so với năm 2015) tăng 18 lần (từ 0,2% lên 3,6%). Trong đó, tỷ lệ này ở nam tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%); tỷ lệ này ở nữ tăng 10 lần (từ 0,1% lên 1%), đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỷ lệ 7,3% (Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh năm 2020).

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng thuốc ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020, trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 tuổi giảm từ 26% xuống 13%.

Việc hút thuốc thụ động giảm từ 42,6% xuống 30,9% tại nơi làm việc; từ 59,9% xuống 56% tại nhà; từ 80,7% xuống 78,1% tại nhà hàng; từ 89,1% xuống 86,2% tại quán bar, quán cà phê. Tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020.

Với các kết quả như trên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn này là 1.277 tỷ đồng/năm.

Cũng theo WHO, Việt Nam có người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới, cứ 7 người thì có 1 người tử vong do thuốc lá gây ra. Chi phí cho thuốc lá ở Việt Nam ước tính khoảng 49.000 tỷ đồng/1 năm (chiếm 1% GDP)…

ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên thuộc Tổ chức HealthBridge Việt Nam cho biết, hiện nay xuất hiện rất nhiều các loại thuốc lá như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Hiện đã có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cấm bán hoàn toàn đối với các loại thuốc lá điện tử; 3 quốc gia, vùng lãnh thổ cấm bán sản phẩm thuốc lá điện tử có chưa nicotine.

Ngoài ra, ít nhất 8 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ cho phép bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ. Đây cũng được xem là quy định cấm bán bởi không có nhà sản xuất trải qua quy trình pháp lý để đạt giấy phép chứng nhận là dược phẩm hoặc biện pháp hỗ trợ cai nghiện.

Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam...

TS,BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết, thuốc lá điện tử gây tăng huyết áp, loạn nhịp tim, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Thuốc lá điện tử cũng gây các tác dụng khác đối với hô hấp, như: Viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giảm khả năng đề kháng của đường hô hấp với vi trùng, nguy cơ ung thư.

Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng tác động đến thần kinh như gây đau đầu, chóng mặt, hốt hoảng, lo lắng, giảm tập trung, khó ngủ, gây nghiện... bởi thuốc lá điện tử có thể chứa ma túy. Trong thực tế, nhiều bạn trẻ hút xong người thì bất tỉnh, người sống thì ngơ ngác; có người đến viện trong tình trạng co giật cơ tim, chết não…

“Thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện nhiều loại ma túy mới, chất gây nghiện, ma túy tổng hợp mới xuất hiện trong thuốc lá điện tử. Tôi mạnh dạn khuyến cáo phải cấm thuốc lá điện tử tại nước ta. Việc này cần phải làm sớm và làm ngay” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ TT&TT và các chuyên gia về y tế cũng gợi ý để truyền đạt được nhiều thông tin về tác hại của thuốc lá đến với cộng đồng, những người làm công tác thông tin, truyền thông có thể viết các bài phóng sự, bài phản ánh, bình luận.

Bên cạnh những số liệu mới, thông tin cần cập nhật về tác hại của thuốc lá… người viết có thể tìm kiếm những câu chuyện cảm động, những nhân vật truyền cảm hứng để người đọc dễ tiếp cận thông tin./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá