Ngành Công Thương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

(BKTO) - Chiều 26/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

ct.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: BCT

Sản xuất công nghiệp phục hồi

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2022, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương, chuỗi cung ứng đã được nối lại và đa dạng hóa.

Dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Dự kiến, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 tăng khoảng 9,5%; đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân. Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, đưa 5 mỏ và công trình mới vào khai thác, nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng.

Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022. Công nghiệp ở các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất với 61 địa phương trên cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng so với năm 2021.

Xuất khẩu tiếp tục lập kỷ lục mới

Về xuất nhập khẩu, trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng (tăng 04 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 09 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng 01 mặt hàng so với năm 2021).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt.

Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2022 chính là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu, đã tận dụng được cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa của các thị trường nhập khẩu, cũng như khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ổn định cung - cầu thị trường nội địa

Hoạt động thương mại trong nước cũng phục hồi tích cực. Các chương trình kích cầu tiêu dùng, Tháng Khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, cùng với đó là nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên sau đại dịch.

Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%).

Tuy nhiên, năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế. Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không còn xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tuy hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi tốt trong 9 tháng đầu năm nhưng tốc độ tăng sản xuất công nghiệp chậm lại từ quý IV.

Các doanh nghiệp sản xuất ở những ngành hàng xuất khẩu lớn đang phải đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.

Trong hoạt động xuất nhập khẩu, mặc dù xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn rất lớn. Hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa…

Tập trung triển khai 5 giải pháp trọng tâm năm 2023

Để thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, toàn ngành sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 05 giải pháp.

Một là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Trong đó chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Hai là, hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2023 và các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật, các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những quy định, chính sách có tính đột phá để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư phát triển ngành Công Thương.

Ba là, tập trung tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khẩn trương xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, góp phần nâng cao năng lực tự chủ của nền công nghiệp quốc gia.

Bốn là, chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới; tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn nữa các FTA đã ký kết.

Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Trong 03 động lực quan trọng đối với ổn định và tăng trưởng kinh tế đất nước thì ngành Công Thương chủ trì 02 lĩnh vực là tiêu dùng và thương mại, đồng thời có vai trò rất quan trọng trong thu hút đầu tư. Do đó, những thành tích của ngành Công Thương với vai trò là xương sống của nền kinh tế, công nghiệp và thương mại quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ

Cùng chuyên mục
Ngành Công Thương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao