Quang cảnh Hội nghị |
Tại hội nghị, đại diện Bộ TT&TT; Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đã thông tin một số nội dung mới về tác hại của thuốc lá và công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; kết quả thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, những khó khăn và thách thức đặt ra; các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại thuốc lá và thực trạng công tác xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong lĩnh vực TT&TT.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá - cho biết, theo điều tra trên toàn quốc năm 2015, tỷ lệ nam thanh niên ở độ tuổi trưởng thành hút thuốc chiếm 45,3%, tương đương với 15 triệu người (bình quân cứ 2 người thì sẽ có 1 người hút thuốc lá) và 33 triệu người Việt Nam đang bị hút thuốc thụ động. Trước những tác hại và thiệt hại từ thuốc lá, trong những năm gần đây, cùng với sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào năm 2012, công tác tuyên truyền đã được các cơ quan chức năng hết sức coi trọng, đặc biệt là nâng cao nhận thức của mỗi người. Nhờ đó việc phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được nhiều chuyển biến đáng kể. Đến nay 100% tỉnh, thành phố đã lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, đưa nội dung này vào kế hoạch hoạt động hàng năm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số hạn chế như tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành của Việt Nam đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc còn cao tại nhà hàng, quán bar...; tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra; thuốc lá được bày bán khắp nơi, giá thuốc lá rẻ...
Trong khi đó, ông Đào Thế Sơn (Tổ chức Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi) cho biết, hằng năm trên toàn thế giới có khoảng 8 triệu người chết vì thuốc lá, đồng thời số người sử dụng các sản phẩm có nicotin tăng 8 triệu người. Nguyên nhân số người sử dụng nicotin tăng thêm phần lớn là do việc xuất hiện các sản phẩm thuốc lá độc hại mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng)...
Đặc biệt, trên thế giới hiện nay đang có nhiều sản phẩm được quảng cáo là giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, có thể thay thế thuốc lá truyền thống và không gây nghiện như: thuốc lá điện tử, shisa… Tuy nhiên, đại diện bộ Y tế khẳng định, các sản phẩm thuốc lá mới vẫn có hại như thuốc lá điếu thông thường; các sản phẩm thuốc lá mới không có công dụng cai nghiện như quảng cáo. “Nếu đồng tình cho phép các sản phẩm thuốc lá mới lưu hành tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc lá mới” - ông Sơn khuyến cáo.
Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Võ Thanh Lâm cho rằng, thời gian tới cần tăng cường cổ vũ, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá của mọi tổ chức cá nhân; nêu gương những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, tạo sự lan tỏa lớn trong xã hội trong việc tuân thủ, chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá. Thông qua các phương tiện truyền thông, cần phải phê bình, lên án nghiêm khắc đối với những hành vi không chấp hành, không nêu gương trong thực hiện các quy định hiện hành.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới, trong đó, 2/3 phụ nữ và 1/2 trẻ em thường xuyên hút thuốc thụ động. Hút thuốc lá là nguyên nhân và tăng nguy cơ của nhiều loại bệnh như ung thư họng, miệng, thanh quản, thực quản, khí quản, phế quản, phổi, bệnh máu trắng... Hút thuốc lá còn gây ra các bệnh mãn tính như đột quỵ, đục thủy tinh thể, viêm nha chu, phình động mạch chủ, bệnh mạch vành... |