Grant Thornton ngừnghợp tác với Sports Direct
Ông Michael Izza cho biết, tại Vương quốc Anh, ngày càng nhiều hãng kiểm toán chủ động rời khỏi vị trí đối tác kiểm toán cho nhiều công ty, tập đoàn có tên tuổi khi hai bên phát sinh những quan điểm bất đồng. Dù trước đó, họ đã phải rất nỗ lực trải qua các cuộc đấu thầu, cạnh tranh với các đối thủ lớn mạnh để giành được các hợp đồng kiểm toán lớn, nhưng để bảo vệ danh tiếng và hoạt động kinh doanh của mình, họ sẵn sàng chủ động rút lui.
Tháng 8 vừa qua, Hãng Grant Thornton (GT) đã chủ động rời khỏi vị trí đối tác kiểm toán của Sports Direct - Tập đoàn bán lẻ các sản phẩm thể thao lớn nhất Vương quốc Anh sở hữu gần 700 cửa hàng trên toàn thế giới, khiến cổ phiếu của Tập đoàn giảm 11%, mức thấp nhất kể từ năm 2011 tới nay, Tập đoàn chỉ còn được định giá ở mức 1 tỷ Bảng Anh trong khi 5 năm trước, mức định giá là 5 tỷ Bảng. GT trở thành hãng kiểm toán của Sports Direct từ khi Tập đoàn được niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán London năm 2007 đến nay. Cuối tháng 7 vừa qua, GT đã thông báo với Hội đồng Báo cáo tài chính Vương quốc Anh về kế hoạch ngừng hợp tác với Sports Direct.
Quyết định trên của GT đẩy Sports Direct rơi vào tình thế vô cùng khó khăn và rối ren, buộc Tập đoàn phải vội vàng tìm kiếm một hãng kiểm toán mới. Giám đốc Điều hành Sports Direct cho rằng, với quy mô hoạt động rộng lớn và các giao dịch kinh doanh phức tạp, chỉ các hãng kiểm toán trong nhóm Big Four mới đủ năng lực và nhân lực để đáp ứng các yêu cầu kiểm toán của Tập đoàn. Tuy nhiên, các hãng kiểm toán lớn nhất thế giới đều từ chối trở thành hãng kiểm toán mới cho Sports Direct. Deloitte từ chối tiếp nhận thêm hoạt động kiểm toán vì Hãng hiện đang đảm nhiệm dịch vụ tư vấn và thuế cho Sports Direct. KPMG đưa ra lý do Hãng và Tập đoàn có một số điểm không thống nhất về lợi ích của mỗi bên. EY cũng đưa ra một số lý do riêng.
Theo Giám đốc Điều hành Sports Direct Mike Ashley, sau khi GT ngừng hợp tác với Sport Direct, nếu vẫn không có hãng nào trong nhóm Big Four tự nguyện trở thành đơn vị kiểm toán Tập đoàn này vì lo ngại hoạt động kinh doanh và uy tín của mình bị ảnh hưởng, trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh được sự ủy quyền của Chính phủ sẽ buộc phải chỉ định 1 trong 4 công ty đảm nhận công việc trên.
Tháng 8 vừa qua, một đại diện của Bộ cho biết: “Chúng tôi đang xem xét các phương án để thuyết phục một trong các hãng kiểm toán của Big Four tự nguyện nhận nhiệm vụ kiểm toán Sport Direct thay thế GT, đồng thời, thảo luận về những quyền lợi hãng kiểm toán nhận được từ các cơ quan quản lý lĩnh vực kiểm toán”.
Hội đồng Báo cáo tài chính Vương quốc Anh cho biết, hiện Cơ quan này cũng đang điều tra lý do GT không tiết lộ các khoản tiền Sports Direct thanh toán cho một công ty do người nhà của ông Mike Ashley điều hành. Bộ phận đánh giá chất lượng kiểm toán của Hội đồng cũng đang xem xét tại sao GT vẫn đánh giá cao cổ phần của Sports Direct trong Tập đoàn bán lẻ đa quốc gia Debenhams trong khi Tập đoàn này gần như đứng bên bờ vực sụp đổ vào tháng 6 vừa qua.
Xu hướng chung của các hãng kiểm toán lớn
Cùng chung quan điểm với GT, các hãng kiểm toán Big Four và BDO mới đây đã đưa ra tuyên bố rằng, họ sẽ sẵn sàng rời bỏ các khách hàng bị xếp vào “danh sách rủi ro” dù phải từ bỏ những hợp đồng có giá trị lớn; danh tiếng có thể bị ảnh hưởng là điều họ quan tâm hơn lợi ích tài chính trước mắt. Động thái này của các hãng kiểm toán lớn nhất thế giới được coi là một xu hướng mới đang diễn ra trong ngành kiểm toán.
Họ quan tâm hơn đến công tác đánh giá rủi ro các khách hàng, đặc biệt ở các lĩnh vực rủi ro cao như kinh doanh khách sạn, bán lẻ…
Thực tế những năm gần đây, các công ty kiểm toán lớn trên toàn cầu, đặc biệt là Big Four đã và đang phải chịu sự kiểm tra, giám sát gắt gao từ cả Chính phủ và các cơ quan quản lý trong lĩnh vực kiểm toán. Các hãng kiểm toán cũng được yêu cầu phải ngày càng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ của mình. Quyết định rút lui khỏi những cuộc kiểm toán rủi ro là một trong những dấu hiệu các hãng kiểm toán đang cố gắng giảm thiểu tối đa mọi rủi ro có thể xảy ra.
Trên thực tế, một số hãng kiểm toán đã để xảy ra những sai sót kế toán, kiểm toán nghiêm trọng khiến nhiều công ty, tập đoàn lớn sụp đổ. Điển hình là một số trường hợp như: Hãng kiểm toán PwC để xảy ra nhiều sai sót lớn khiến Tập đoàn bán lẻ hàng gia dụng BHS của Anh phải phá sản, chất lượng dịch vụ kiểm toán thiếu sót của KPMG cũng liên quan đến việc Tập đoàn Carrillion của Anh sụp đổ...
Sau những vụ bê bối trên, các hãng kiểm toán lớn đã bị chỉ trích vô cùng nặng nề và phải nhận những hình phạt là các lệnh cấm nghiêm khắc, thậm chí rút giấy phép hoạt động đi kèm những mức phạt tài chính cao kỷ lục từ các cơ quan quản lý.
Do đó, ông Michael Izza cho rằng, nếu các hãng kiểm toán gặp phải những vấn đề lớn khó có thể đi đến thỏa thuận chung với khách hàng, những vấn đề có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng của mình, họ sẵn sàng rời khỏi vị trí đơn vị kiểm toán của các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới, sẵn sàng từ bỏ những hợp đồng lớn để bảo vệ hoạt động kinh doanh và uy tín của mình sau này.
THANH XUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019