Ngân hàng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi mua trái phiếu doanh nghiệp

(BKTO) - Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổ chức tín dụng (TCTD) phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp cho doanh nghiệp phát hành.

traiphieu.jpg
Dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 4 Điều 1 để phù hợp với đặc thù hoạt động của các TCTD tham gia thực hiện chuyển giao bắt buộc. Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16) về việc ngân hàng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Cần thiết phải sửa đổi Thông tư 16

NNHH cho biết: Ngày 23/4/2023, NHNN ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN (Thông tư 03) quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư 16 đến hết ngày 31/12/2023 để gia tăng thanh khoản, góp phần hỗ trợ thị trường TPDN.

Thông tư 03 được ban hành trong bối cảnh thị trường TPDN gặp nhiều khó khăn, cần có các giải pháp, quy định kịp thời từ nhiều phía để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP có mục tiêu tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS, tăng thanh khoản cho thị trường.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 04/10/2023 của Chính phủ yêu cầu: Tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các Thông tư đã ban hành để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Theo chức năng, thẩm quyền khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các Thông tư, văn bản quy định có liên quan để chủ động, kịp thời xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định, nhất là các cơ chế, chính sách hết hiệu lực trong năm 2023 nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng theo đúng quyết nghị của Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định của pháp luật.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 là cần thiết và cần được sớm ban hành nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Minh bạch thông tin, hỗ trợ thị trường phát triển bền vững

Dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 4 Điều 1 để phù hợp với đặc thù hoạt động của các TCTD tham gia thực hiện chuyển giao bắt buộc, cụ thể như sau: Việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp giữa TCTD được kiểm soát đặc biệt và TCTD hỗ trợ, tổ chức nhận chuyển giao bắt buộc thực hiện theo phương án phục hồi, phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bổ sung khoản 14 Điều 4 như sau: TCTD phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp cho doanh nghiệp phát hành, bên bán trái phiếu. Quy định này nhằm góp phần hỗ trợ theo dõi, giám sát tình hình sử dụng tiền thu được từ phát hành TPDN, tăng cường minh bạch thông tin, hỗ trợ thị trường TPDN phát triển bền vững; đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Điều 2 bãi bỏ khoản 11 và khoản 12 Điều 4, trong đó khoản 11 quy định “Trong vòng 12 tháng sau khi bán TPDN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là TPDN chưa niêm yết), TCTD không được mua TPDN chưa niêm yết mà TCTD đã bán và/hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà TCTD đã bán khi: Đáp ứng các quy định khác tại Điều này;

Bên mua TPDN này từ TCTD thanh toán toàn bộ số tiền mua TPDN tại thời điểm TCTD ký kết hợp đồng bán TPDN cho bên mua trái phiếu;

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD tại thời điểm gần nhất trước khi TCTD mua TPDN” (khoản 11 Điều 4 này đã được ngưng hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2023 theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-NHNN).

Hiện nay, sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được vận hành và các trái phiếu còn dư nợ phải đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) nhằm tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản cho các trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Bên cạnh đó, khi mua lại TPDN mà TCTD đã bán, TCTD phải tuân thủ các quy định khác tại Thông tư 16 tương tự như khi TCTD mua lần đầu. Do đó, NHNN bãi bỏ quy định này tại Thông tư 16 và Thông tư 03/2023/TT-NHNN không cần phải kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành./.

Cùng chuyên mục
  • Đổi tiền mới hưởng phần trăm chênh lệch là vi phạm pháp luật
    9 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Theo Luật sư Ngô Quí Linh, Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Mai Đăng Khang cho biết, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP, ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi vi phạm pháp luật.
  • Đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật
    9 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Ngày 29/01, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2024.
  • Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Tư pháp
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 87/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
  • Nâng cao năng suất lao động nông nghiệp: Bắt đầu từ người nông dân
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Được coi là điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua, song năng suất lao động (NSLĐ) vẫn là thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành nông nghiệp. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2024 là nâng cao NSLĐ với giải pháp then chốt là nâng cao chất lượng lao động thông qua việc đào tạo, đổi mới tư duy, cách sản xuất của nông dân.
  • Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực ứng phó với phòng vệ thương mại
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Thời gian gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ở các thị trường nước ngoài. Đây là một thực tế đáng lo ngại, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) cần phải nâng cao năng lực ứng phó trước các biện pháp PVTM, để có thể giữ vững thị trường xuất khẩu trong quá trình vươn ra “biển lớn”.
Ngân hàng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi mua trái phiếu doanh nghiệp