Nâng cao năng suất lao động nông nghiệp: Bắt đầu từ người nông dân

(BKTO) - Được coi là điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua, song năng suất lao động (NSLĐ) vẫn là thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành nông nghiệp. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2024 là nâng cao NSLĐ với giải pháp then chốt là nâng cao chất lượng lao động thông qua việc đào tạo, đổi mới tư duy, cách sản xuất của nông dân.

15.jpg
Nâng cao NSLĐ, cần bắt đầu từ đào tạo, đổi mới tư duy sản xuất để nông dân thực sự làm chủ trên cánh đồng. Ảnh: N.LỘC

Nông nghiệp thành vùng trũng về NSLĐ, do đâu?

Về Mộc Châu, nhắc đến ông Hàng A Sở, người dân tộc Mông - nông dân duy nhất của tỉnh Sơn La được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, ai nấy đều biết. Xuất phát điểm của ông Hàng A Sở cũng như phần lớn nông dân hiện nay, khi từng phải vật lộn với đói nghèo vì “trồng cây gì, nuôi con gì” cũng không cho kết quả. Không cam chịu, dù tuổi đã cao, ông vẫn tìm tòi trên các phương tiện thông tin, theo học các chương trình đào tạo kiến thức cho nhà nông. Từ đó, ông mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, số nông dân có được thành công như trên là chưa nhiều, như thừa nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT): Phần lớn sản xuất của người nông dân còn chưa hiệu quả, NSLĐ thấp.

Bà Nguyễn Quỳnh Trang (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: Dù có cải thiện trong những năm gần đây, song NSLĐ nông nghiệp vẫn thấp nhất trong các ngành kinh tế, đạt hơn 80 triệu đồng/lao động (năm 2022). Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế; trong đó, tư duy, cách làm lạc hậu, thủ công của người nông dân là yếu tố bao trùm khiến cho NSLĐ nông nghiệp chậm cải thiện.

Bộ NNPTNT nêu rõ, chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp thấp là vấn đề nan giải, với phần lớn người lao động chưa qua đào tạo. Cụ thể, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên còn thấp, chiếm khoảng 5% tổng số lao động nông nghiệp. Tỷ lệ người học đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và đổi mới nông nghiệp...

Theo TS. Vũ Xuân Hùng (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo có chứng chỉ thấp hơn so với với mức bình quân của các ngành kinh tế. Hệ lụy của tình trạng này khiến cho sản xuất kém hiệu quả, thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh, tạo chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực ngày càng lớn.

Ngoài yếu tố nhận thức, ngại thay đổi của nông dân, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân còn nhiều bất cập, có nơi chưa thực sự quan tâm nên người dân chưa mặn mà. Bên cạnh đó, “công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm có mặt còn hạn chế, làm giảm đi tính thiết thực của chính sách” - Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên) cho biết.

Thay đổi tư duy, kỹ năng của nông dân

NSLĐ khu vực nông nghiệp được quyết định bởi chất lượng lao động và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho nông dân thông qua đào tạo, tự đào tạo chính là giải pháp trọng tâm, qua đó giúp người nông dân có tư duy, ý thức đổi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nhấn mạnh đào tạo nghề cho nông dân là con đường duy nhất để hướng tới thay đổi phương thức sản xuất, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, đây chính là “chìa khóa” để nâng cao NSLĐ. Ngoài được học kiến thức mới, qua đào tạo, người nông dân sẽ thấy cần phải thay đổi nhận thức trong lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả hơn. Khi có hiểu biết, người dân sẽ tự tìm tòi, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia liên kết để nâng cao hiệu quả lao động. Đây là tác động rất lớn của đào tạo nghề, bởi người nông dân vốn có sức ỳ lớn. Khi nhận thức chuyển biến sẽ giúp thay đổi căn bản những bước tiếp theo.

TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phủ sóng các lĩnh vực, người nông dân cũng phải thích ứng, nếu không muốn bị đào thải. Để tận dụng tốt lợi thế của công nghệ, nông dân cần được đào tạo, tự đào tạo để thay đổi cách nghĩ, cách làm. Cùng với đó, các ngành chức năng cần định hướng mô hình phát triển sản xuất gắn với công nghệ phù hợp, có chính sách hỗ trợ họ tiếp cận với mô hình sản xuất mới...

Xác định đào tạo nghề cho nông dân đóng vai trò rất quan trọng, Bộ NNPTNT cho biết, Bộ đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu cụ thể là đào tạo nghề cho 910.400 lao động nông thôn; thí điểm đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp theo mô hình của một số quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến. Đặc biệt, trong Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt ra các yêu cầu thiết kế các chính sách hỗ trợ nông dân để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, nông thôn hiện đại với giải pháp trọng tâm là công tác đào tạo nghề cho nông dân...

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan lưu ý, đào tạo nghề cho nông dân cần xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gắn với đặc thù từng địa bàn. Và quan trọng hơn, mục tiêu không chỉ là đào tạo nghề nông, mà còn giúp nông dân “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao năng suất lao động nông nghiệp: Bắt đầu từ người nông dân