Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực ứng phó với phòng vệ thương mại

(BKTO) - Thời gian gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ở các thị trường nước ngoài. Đây là một thực tế đáng lo ngại, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) cần phải nâng cao năng lực ứng phó trước các biện pháp PVTM, để có thể giữ vững thị trường xuất khẩu trong quá trình vươn ra “biển lớn”.

14.jpg
Nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại ở thị trường nước ngoài. Ảnh minh họa

Số vụ kiện phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng

Số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh. Nếu như giai đoạn 2001-2011 chỉ có 50 vụ, thì giai đoạn 2012-2022 đã tăng 3,5 lần lên 172 vụ. Năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 12 vụ việc điều tra PVTM; lũy kế đến hết năm 2023 là hơn 235 vụ việc.

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, thời gian gần đây, kinh tế toàn cầu gặp khó khăn khiến nhiều nước gia tăng bảo hộ hàng hóa trong nước nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa, trong đó có việc áp dụng các biện pháp PVTM. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, các hiệp định thương mại tự do đã giúp Việt Nam đạt được những thuận lợi hơn trong xuất khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, chính từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ của họ điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM.

Bình luận về những ảnh hưởng đến các DN và ngành hàng sản xuất trong nước, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho biết, việc bị áp thuế PVTM sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh so với hàng hóa từ các thị trường không bị áp thuế khác. Mặt khác, các mức thuế cao đánh vào các sản phẩm của Việt Nam ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của DN và có thể kéo dài trong nhiều năm. Trong nhiều trường hợp, mức thuế quá cao có thể khiến DN phải từ bỏ thị trường. Thậm chí, trong trường hợp khả quan, khi bị áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế thấp, một số DN vẫn có thể duy trì được thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, xuất khẩu có thể không gia tăng như kỳ vọng, hay nói cách khác, biện pháp PVTM sẽ kìm hãm tốc độ gia tăng xuất khẩu, cản trở việc mở rộng thị phần. Ngoài ra, việc bị kiện PVTM sẽ khiến các DN phải đối mặt với những thủ tục phát sinh làm hao tốn thời gian và nguồn lực…

Năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Mục tiêu của Đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM, giúp các DN có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM đang theo dõi khoảng trên 170 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài.

Doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại

Theo các chuyên gia, trong thương mại quốc tế, các biện pháp PVTM là một phần trong chính sách thương mại của các quốc gia, nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Hệ thống các biện pháp PVTM gồm 3 trụ cột chính: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ. Theo đó, hiện nay, DN của các nước trên thế giới đã quá quen thuộc với các công cụ PVTM và sử dụng hiệu quả để bảo vệ DN mình khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Trong khi đó, đối với các DN Việt, các công cụ này vẫn chưa được DN am hiểu sâu và sử dụng thực sự hiệu quả.

Cũng theo các chuyên gia, bối cảnh năm 2024 cũng như thời gian tới, dự báo nền kinh tế thế giới vẫn sẽ tiếp tục có những khó khăn, xu thế bảo hộ có thể sẽ gia tăng ở nhiều thị trường xuất khẩu. Vì vậy, các DN Việt phải sẵn sàng cho nguy cơ bị khởi kiện PVTM ở các thị trường xuất khẩu.

Trước thực tế đó, đưa khuyến nghị cho DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng, DN cần nâng cao hiểu biết về công cụ PVTM và kỹ năng sử dụng công cụ này. Bên cạnh đó, các DN cần phải luôn duy trì hệ thống kế toán minh bạch, chặt chẽ và phù hợp, bởi các vụ việc điều tra PVTM đòi hỏi việc cung cấp các số liệu, bằng chứng về chi phí sản xuất hàng hóa, các giấy tờ giao dịch liên quan của các lô hàng trong giai đoạn điều tra (thường là trong vòng 1 năm liền trước vụ kiện), mà khi vụ kiện đã xảy ra thì DN không thể quay trở lại để sắp xếp.

Mặt khác, do khối lượng công việc phải làm, các chứng từ số liệu phải cung cấp trong các vụ điều tra PVTM thường rất lớn, trong khi thời hạn tố tụng lại rất ngắn. Do đó, DN cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ PVTM để chuẩn bị trước từ sớm. Ngoài ra, DN cần chuẩn bị trước về nguồn nhân lực, vật lực cho các vụ kiện PVTM, bởi các vụ kiện ở nước ngoài thường rất tốn kém tiền của, công sức, do đó cần sự đầu tư sẵn sàng.

Về phía Nhà nước, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về PVTM để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của nền kinh tế, DN Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đó là tăng cường năng lực của cơ quan điều tra PVTM để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tương xứng với xu hướng gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, qua đó nhằm hỗ trợ hiệu quả các ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, tăng cường củng cố cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực PVTM nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác PVTM trong bối cảnh mới, hỗ trợ xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.../.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực ứng phó với phòng vệ thương mại