Ngân hàng Silicon Valley phá sản sau khi nhận kết quả kiểm toán “sạch”

(BKTO) - Mới đây, Ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Hoa Kỳ đã rơi vào cảnh phá sản dù chỉ 14 ngày trước đó, hãng kiểm toán KPMG đã gửi cho SVB một Báo cáo kiểm toán “sạch”.

SVB là ngân hàng thương mại hoạt động trên toàn Hoa Kỳ, có các chi nhánh ở nước ngoài, được thành lập năm 1983 với mục đích cho các doanh nghiệp hoạt động về công nghệ, sức khỏe, khởi nghiệp... vay vốn. Lượng tiền gửi tại ngân hàng này tăng khá nhanh, từ 60 tỷ USD vào quý I/2020 lên đến 175 tỷ USD vào cuối năm 2022. Tổng tài sản của SVB cuối năm 2022 là 212 tỷ USD.

silicon-valley-bank.jpg
Ngân hàng Silicon Valley rơi vào cảnh phá sản. Ảnh sưu tầm

Ngày 24/02 vừa qua, hãng kiểm toán KPMG đã gửi Báo cáo kiểm toán cho SVB, trong đó không chỉ ra bất kỳ vấn đề, rủi ro nào tại ngân hàng. Không lâu sau đó, sự cố SVB phá sản diễn ra rất nhanh, do Ngân hàng mất thanh khoản. Sự việc bắt đầu bùng nổ ngày 08/3 khi Tập đoàn Tài chính SVB - công ty mẹ của Ngân hàng SVB - thông báo lỗ 1,8 tỷ USD sau khi phải bán các khoản chứng khoán trị giá 21 tỷ USD và dự kiến phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để tăng năng lực tài chính, bù đắp các khoản lỗ.

Cùng ngày, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh tụt hạng SVB dẫn đến giá cổ phiếu giảm 60% trong ngày 09/3, cùng với việc một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn khuyến nghị các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của các quỹ này rút tiền khỏi SVB. Ngay ngày 09/3, khách hàng ồ ạt rút tiền (khoảng 42 tỷ USD tính đến cuối ngày), bất chấp những lời trấn an của lãnh đạo SVB. Sáng 10/3, cổ phiếu SVB tiếp tục mất giá thêm 60% và bị buộc rơi vào trạng thái chấm dứt giao dịch. Điều này đã khiến Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Hoa Kỳ ra quyết định chấm dứt hoạt động của SVB ngay trong phiên giao dịch ngày 10/3.

Theo các chuyên gia, một số nguyên nhân chính dẫn đến việc SVB phá sản gồm: Mô hình hoạt động tập trung quá nhiều vào một số lĩnh vực rủi ro, nhiều biến động; hoạt động thiếu bền vững; khả năng phân tích, dự báo và quản lý rủi ro yếu kém; khâu truyền thông và xử lý rủi ro thanh khoản không tốt… Tuy nhiên, những vấn đề này không được hãng kiểm toán chỉ ra.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ cho rằng: “Việc một hãng kiểm toán đưa ra một báo cáo tích cực, lành mạnh đối với ngân hàng lớn thứ 16 ở Hoa Kỳ nhưng chỉ trong vòng 2 tuần, ngân hàng đã rơi vào cảnh phá sản mà không có bất kỳ cảnh báo nào là điều rất đáng lo ngại. KPMG sẽ phải đánh giá lại hoạt động kiểm toán, liệu hãng có bỏ qua các vấn đề tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng của ngân hàng hay không. Các kiểm toán viên có nhiệm vụ đánh giá những rủi ro mà các đơn vị được kiểm toán phải đối mặt; đồng thời nêu ra những vấn đề quan trọng xảy ra trước khi cuộc kiểm toán hoàn tất”./.

Cùng chuyên mục
Ngân hàng Silicon Valley phá sản sau khi nhận kết quả kiểm toán “sạch”