Ngành dầu khí vững niềm tin vào tương lai phát triển bền vững

(BKTO) - Một năm thắng lợi, nối tiếp đà tăng trưởng và thiết lập những kỷ lục mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được thể hiện rõ qua kết quả tất cả các chỉ tiêu tài chính và nhiều chỉ tiêu sản xuất đã về đích từ rất sớm. Triển vọng năm 2023 tuy được dự báo có nhiều khó khăn, song với những động lực mới từ cơ chế, chính sách, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của toàn Tập đoàn, ngành dầu khí thêm vững niềm tin vào tương lai phát triển bền vững.

40-2-dau-khi-3.jpg
Người lao động dầu khí trên Biển Đông

Vượt sóng gió, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2022, PVN đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội. Với phương châm “Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững”, PVN tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, chủ quyền biển đảo quốc gia và đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Trong năm 2022, gia tăng trữ lượng dầu khí của PVN đạt gần 17 triệu tấn quy dầu, tăng 21,2% so với kế hoạch. Sản lượng khai thác dầu đạt 9 triệu tấn, vượt 28% so với kế hoạch. Các hoạt động sản xuất đạm, xăng, dầu… đều vượt từ 9-26% so với thực hiện của năm 2021. Sản lượng khai thác, sản xuất đạt mức cao là động lực quan trọng tạo kết quả tài chính rất khả quan với tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 931.000 tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch năm và tăng 48% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 82.000 tỷ đồng, vượt 3,3 lần so với kế hoạch và tăng 60% so với thực hiện năm 2021. Nộp ngân sách nhà nước đạt trên 170.000 tỷ đồng, vượt 2,64 lần so với kế hoạch năm và tăng 52% so với thực hiện năm 2021.

Để tiếp tục duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh tốt, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng chỉ đạo toàn Tập đoàn và các đơn vị nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chủ động bám sát biến động kinh tế vĩ mô, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, diễn biến thị trường, đưa ra mục tiêu, giải pháp cho từng lĩnh vực để có những quyết sách kịp thời.

Đối với lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần tập trung điều hành khai thác với mục tiêu tiếp tục duy trì sản lượng; có chiến lược, sách lược để thúc đẩy hoạt động đầu tư cho năm 2023, đặc biệt là giải phóng các vướng mắc về cơ chế, chính sách khi Luật Dầu khí (sửa đổi) vừa được thông qua.

40-1-dau-khi-1.jpg
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

Cơ chế, chính sách mới thúc đẩy hiệu quả và hiệu lực khai thác dầu khí

Có thể khẳng định, Luật Dầu khí (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, phát triển năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế bền vững - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh. Với 11 chương, 69 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, Luật Dầu khí (sửa đổi) đã bổ sung chính sách điều tra cơ bản về dầu khí; bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà đầu tư. Đáng chú ý, Luật đã bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí; đồng thời bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Các chính sách mới của Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng giúp khắc phục chồng chéo với các luật khác làm cho thủ tục thông thoáng hơn, phân cấp, phân quyền mạnh hơn - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nêu rõ.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việc thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, kỳ vọng sẽ tạo ra động lực về thể chế giúp ngành dầu khí nói chung và PVN nói riêng đẩy mạnh các hoạt động khai thác, thăm dò, tìm kiếm, đưa ngành dầu khí phát triển mạnh mẽ, bền vững”.

Nghiên cứu từ lý luận và thực tiễn, PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - cho rằng, điều quan trọng nhất là Luật Dầu khí (sửa đổi) phù hợp với thông lệ quốc tế và có những cân nhắc, xem xét phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành dầu khí, phù hợp với thực tiễn quản lý của chúng ta. Luật không chỉ tạo điều kiện cho hoạt động giám sát, thăm dò dầu khí tốt hơn, giúp huy động nguồn lực của PVN và các nhà đầu tư quốc tế mà còn bổ sung những quy định về kế toán, kiểm toán, tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư, các nhà quản lý của PVN yên tâm trong quá trình triển khai thăm dò, khai thác.

Còn ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - phân tích, với 10 điểm đã thay đổi, bao gồm cả sửa đổi và bổ sung, Luật tạo ra mục tiêu thúc đẩy, nâng cao hiệu quả và hiệu lực khai thác dầu khí. Tuy nhiên, cần có thêm nghị định và các thông tư hướng dẫn giúp tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Theo quy định, nghị định hướng dẫn luật phải thông qua ít nhất trước 45 ngày luật có hiệu lực thi hành. Do đó, các cơ quan của Chính phủ cần phải khẩn trương để đảm bảo nghị định được ban hành đúng tiến độ, cũng như thể chế hóa đầy đủ, phản ánh đúng tinh thần của Luật Dầu khí (sửa đổi)./.

Cùng chuyên mục
  • Trái phiếu doanh nghiệp:  Xu hướng tái cấu trúc nguồn vốn
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Bước sang năm 2023, bên cạnh những chính sách tháo gỡ của Chính phủ, tái cấu trúc nguồn vốn có lẽ là xu hướng huy động chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN). DN phát hành cần nâng tầm, nâng cao chất lượng, uy tín, quản trị tốt hơn, minh bạch hơn.
  • Thị trường chứng khoán năm 2023: Thích hợp cho đầu tư dài hạn
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Rủi ro từ thị trường trái phiếu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kéo dài lộ trình tăng lãi suất, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết không tích cực… là một trong các rủi ro đáng chú ý mà thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ phải đối mặt trong năm 2023. Tuy vậy, dòng tiền ổn định hơn, mặt bằng lãi suất có thể giảm và mức định giá thấp được kỳ vọng sẽ giúp TTCK Việt Nam khởi sắc hơn trong năm 2023.
  • Trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Ngày 9/01, tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBCKNN đối với bà Vũ Thị Chân Phương.
  • Qua thanh tra, kiến nghị thu hồi 26.654 tỷ đồng
    một năm trước Tài chính
    Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong năm 2022, TTCP và Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực quan trọng, dư luận xã hội quan tâm; đồng thời chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra để xử lý kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực...
  • Đến năm 2025, quy mô ngành bảo hiểm đạt 3-3,3% GDP
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Ngày 5/01/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 07/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030.
Ngành dầu khí vững niềm tin vào tương lai phát triển bền vững