Theo Bộ NN-PTNT, năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành NN-PTNT đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế…
Nhìn nhận tổng thể năm 2022, ngành NN-PTNT đã có nhiều chuyển biến thực tiễn từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Trong đó, nổi bật là việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, hay như việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng.
Năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, ngành NN-PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;…
Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại cho hàng nông sản Việt Nam.
Trong đó, các nhiệm vụ và giải pháp chính là: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng Ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế. Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn...
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022. “Trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp đã vượt qua những khó khăn từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng để đạt được những kết quả khả quan” - Thủ tướng nhận định; đồng thời mong Bộ NN-PTNT sẽ phát huy, kế thừa những thành quả và với truyền thống ngành nông nghiệp, năm 2023 tiếp tục phát triển, bứt phá và mạnh mẽ, bền vững hơn.
Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành Nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân đủ ăn đủ mặc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không những thế, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản còn đạt hơn 53 tỷ USD, qua đó đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính -
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Bộ NN-PTNT đã thực hiện tốt việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp; đồng thời đề nghị ngành NN-PTNT cần nâng cao tính dự báo, coi đây là nhiệm vụ của Nhà nước; gắn sản xuất với thị trường, phải nắm sát thị trường, thị hiếu và biến chuyển tiêu dùng để sản xuất sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác chế biến, đóng gói bao bì và bảo quản sau thu hoạch xây dựng theo chuỗi giá trị gia tăng để nâng cao năng suất lao động...
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong hoạt động, để công nghiệp hóa được nông nghiệp, chăm lo tốt hơn cho đời sống của người nông dân; đồng thời khẳng định đây là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, không của riêng ngành Nông nghiệp.