Ngày 01/7, Luật Dầu khí chính thức có hiệu lực

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 có hiệu lực từ 01/7/2023 có nhiều đột phá, tạo động lực thể chế cho ngành dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí...

3.jpg
Hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của PVN. Ảnh sưu tầm

Trong đó, Luật bổ sung chính sách đối với hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Đây là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Đối với lĩnh vực dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí cần phải đi trước một bước để làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành dầu khí, định hướng hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng.

Đặc biệt, điều tra cơ bản về dầu khí rất cần thiết tại các khu vực tiềm năng, các khu vực nước sâu, xa bờ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế.

Luật cũng bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư.

Theo đó, hợp đồng dầu khí là văn bản pháp lý gắn liền với quá trình triển khai hoạt động dầu khí và là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí.

Trong điều kiện tài nguyên dầu khí ngày càng cạn kiệt, nhiều mỏ dầu khí có quy mô nhỏ, cận biên, Việt Nam đã thay đổi các điều khoản tài chính của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí theo hướng khuyến khích đầu tư (tăng thu hồi chi phí, chia dầu khí lãi, giảm thuế cho nhà đầu tư) hoặc ban hành các hình thức hợp đồng dầu khí khác ngoài hợp đồng để tăng cường thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí phù hợp với tính đặc thù của hoạt động dầu khí.

Các quy định đảm bảo theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, cũng như có tính tương thích với pháp luật có liên quan (như xây dựng, đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường...).

Luật cũng bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí đồng bộ theo chuỗi. Trong quá trình lập kế hoạch phát triển mỏ đại cương, PVN cần trình Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án.

Trường hợp dự án phát triển mỏ dầu khí đồng bộ theo chuỗi có liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, đất đai thì cần Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương trước khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt.

Đồng thời, Luật bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí; Bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Luật còn bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí. Việc bổ sung quy định này là phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Trong Luật cũng tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, PVN trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí; quy định rõ chức năng, quyền và nghĩa vụ của PVN; cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có./.

Cùng chuyên mục
Ngày 01/7, Luật Dầu khí chính thức có hiệu lực