Ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động

(BKTO) - Cùng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, luôn khẳng định vị thế cách mạng, đi đầu trong mọi trào lưu, xu hướng tiến bộ, góp công sức, trí tuệ hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2024) là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp to lớn của lực lượng công nhân và người lao động cho sự phát triển của đất nước.

32-thay.jpg
Giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: TS

Cách đây 138 năm, ngày 01/5/1886, do yêu sách “ngày làm việc 8 giờ” không được đáp ứng đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã bãi công. Dù bị đàn áp đẫm máu, nhưng cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi, buộc giới chủ phải công nhận chế độ ngày làm việc 8 giờ. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ và nhiều nước trên thế giới, trở thành mốc son trong lịch sử giai cấp công nhân và phong trào Công đoàn tiến bộ quốc tế. Ngày 01/5 đã được Quốc tế Cộng sản II chọn làm Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày lễ Quốc gia với Sắc lệnh số 22c do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành vào ngày 18/02/1946 và Sắc lệnh số 56 ngày 29/4/1946 quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Sau khi Sắc lệnh được ban hành, ngày 01/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.

Từ đây, giá trị của Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ dừng lại ở tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức mà đã được nâng tầm với ý nghĩa sâu xa hơn như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đồng bào toàn quốc và anh chị em lao động. Người khẳng định: “Đối với chúng ta đó là một ngày để thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày Nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, Người đã có công lao to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử của Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết số 20/NQ-TW, ngày 28/01/2008 của Hội nghị Trung ương 6 khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng ta xác định: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Phát huy tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và ghi nhớ lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nhân dân lao động, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quổc, nhất là sau gần 40 năm đổi mới, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế. Công nhân, lao động nước ta đã tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021, của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân thể hiện và khẳng định vị thế của người chủ đất nước, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước... Những thành tích đó không chỉ là kết quả sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân, lao động, của tổ chức công đoàn, mà còn là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

(Trích phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028)

Chào mừng 138 năm Ngày Quốc tế Lao động là dịp để giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam nguyện đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

Cùng chuyên mục
  • Những thành tựu lớn sau 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
    21 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Trải qua bao thăng trầm, bằng ý chí quật cường, khát vọng mãnh liệt và những hành động cụ thể, Việt Nam đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, tô thắm những trang sử hào hùng của dân tộc.
  • Chiến thắng 30/4 của Việt Nam trong ký ức các bạn bè ở khu vực Mỹ Latinh
    21 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Theo Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất cầm quyền Venezuela, thắng lợi mùa Xuân năm 1975 làm thức tỉnh về chủ quyền dân tộc, cổ vũ các nước thuộc địa và phụ thuộc đấu tranh giành độc lập.
  • Hành động quyết liệt, quyết tâm gỡ “Thẻ vàng” IUU
    24 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Để đẩy mạnh công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), bảo đảm phát triển bền vững ngành thuỷ sản, Ban Bí thư yêu cầu: Phải xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng...
  • Ngày hội non sông qua ký ức lão tướng quân đội
    25 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - “Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông/ Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân/ Thành Đồng ơi sắt son đã vang khải hoàn” - lời bài hát “Đất nước trọn niềm vui” được Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm cất lên trong ngôi nhà nhỏ nằm bên góc phố Thủ đô. Gắn bó với chiến trường Tây Nguyên từ những ngày máu lửa nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, những chiến công hiển hách của vị tướng cùng đồng đội đã góp phần làm nên chiến thắng Tây Nguyên, từ đó tạo thêm thế và lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi. Bước ra từ cuộc chiến, vị tướng trận mạc năm xưa luôn mang trong mình khát vọng cống hiến, dựng xây đất nước ngay cả khi tuổi đã xế chiều…
  • Hiệp định Giơ-ne-vơ: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam
    26 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Cùng với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (Hiệp định được ký kết tại TP. Giơ-ne-vơ, Thủy Sĩ) đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm ở nước ta, mở ra một chương mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định trong một điều ước quốc tế.
Ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động