Ngày hội non sông qua ký ức lão tướng quân đội

(BKTO) - “Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông/ Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân/ Thành Đồng ơi sắt son đã vang khải hoàn” - lời bài hát “Đất nước trọn niềm vui” được Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm cất lên trong ngôi nhà nhỏ nằm bên góc phố Thủ đô. Gắn bó với chiến trường Tây Nguyên từ những ngày máu lửa nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, những chiến công hiển hách của vị tướng cùng đồng đội đã góp phần làm nên chiến thắng Tây Nguyên, từ đó tạo thêm thế và lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi. Bước ra từ cuộc chiến, vị tướng trận mạc năm xưa luôn mang trong mình khát vọng cống hiến, dựng xây đất nước ngay cả khi tuổi đã xế chiều…

5.jpg
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào giải phóng Thành phố, ngày 30/4/1975. Ảnh: ST

Trích máu viết đơn ra trận, hướng về “Thành đồng Tổ quốc”

Ở tuổi ngoài 80 nhưng Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm - nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam - vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn mà hiếm người ở độ tuổi này bằng. Trong những ngày tháng Tư lịch sử, vị lão tướng luôn nhớ những năm tháng “máu và hoa” rất đỗi hào hùng. Sinh ra trong gia đình nông dân tại huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là TP. Hà Nội), vì nhà nghèo, chàng trai Lộ Khắc Tâm sớm phải nghỉ học để giúp bố mẹ. Năm 20 tuổi, ông nhập ngũ, được biên chế vào Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308.

Năm 1964, Mỹ mở rộng đánh phá ra miền Bắc, hòng cứu vãn thất bại tại chiến trường miền Nam; đồng thời ngăn chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Cả nước sục sôi tinh thần đánh Mỹ. Với người lính trẻ khi đó, suy nghĩ nung nấu đó là làm thế nào để được chiến đấu cho miền Nam! “Lúc đó tôi đang học tại trường Sĩ quan lục quân 1. Nhà trường huy động 100 học viên lên đường vào Nam chiến đấu, chọn lọc kỹ lắm, vì ai cũng xung phong ra trận. Tôi đã viết đơn tình nguyện và lấy máu điểm chỉ, với mong muốn tha thiết được chọn” - vị tướng nhớ lại.

Trong cuộc đời binh nghiệp, vị tướng già đã trải qua bao trận chiến đấu ác liệt, từ chiến trường Campuchia, đến cuộc chiến biên giới phía Bắc…, nhưng phần lớn ông gắn bó với chiến trường Tây Nguyên. Năm 1965, người chiến sỹ trẻ Lộ Khắc Tâm được cử làm Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tham gia chiến đấu ở Tây Nguyên khi mới chớm tuổi 23. Trận chiến đầu tiên của ông cùng đơn vị là cuộc đối đầu với quân Mỹ tại núi Chư Prông. “Nắm được ý đồ của địch, khi chúng điều Sư đoàn kỵ binh số 1 đổ bộ xuống Tây Nguyên, Bộ chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên quyết định chọn Ia Đrăng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai làm điểm quyết chiến đánh trận then chốt” - ông kể.

Sáng 14/11/1965, hàng chục máy bay địch tiến hành ném bom, bắn phá dọn bãi. Sau khi thiết lập được trận địa pháo, địch thọc đúng vào trận địa của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, song bộ đội ta bình tĩnh đợi quân Mỹ đến gần mới đồng loạt nổ súng. Với sự yểm trợ của Trung đoàn 33, thực hiện phương châm “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, đánh liên tục, đánh dứt điểm từng trận, đập tan ý đồ của địch ở Ia Đrăng. “Trong trận này, chúng tôi đã góp công cùng Đại đội 2 loại khỏi vòng chiến đấu 1 đại đội lính dù, bắn rơi 4 máy bay trực thăng”.

Dù vậy, ông bảo, trong cuộc chiến chống quân xâm lược, mỗi kết quả đạt được đều phải đánh đổi bằng xương máu. Ông cũng không nhớ nổi bao lần phải tiễn biệt đồng đội. Bản thân ông cũng bao lần đối diện với sinh tử và những vết đạn găm lại trong cơ thể như gợi nhắc ông về quá khứ… Nhớ lại trận chiến Ia Đrăng, vị tướng bảo đến giờ, ông vẫn không quên hình ảnh người lính xạ thủ trung liên bị trúng đạn, trước lúc hy sinh vẫn động viên đồng đội. “Ánh mắt yếu ớt và lời trăng trối của người xạ thủ ấy như lời nhắc tôi không được gục ngã, phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bằng mọi giá” - vị tướng hồi tưởng.

Theo Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, càng về cuối, cuộc chiến càng khốc liệt, nhưng tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta lúc đó mạnh như vũ bão. Khi chiến trường Tây Nguyên được giải phóng, rạng sáng 30/4/1975, ông cùng Trung đoàn 24, Sự đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh thọc sâu vào Sài Gòn. “Chúng tôi tiến đánh thẳng vào Bộ Tư lệnh không quân ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất. Vừa đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân ngụy thì nghe loa phát thanh phát lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh”.

Và trong giây phút thiêng liêng, hân hoan của dân tộc, ông cùng đồng đội ôm nhau hét lên sung sướng “hòa bình rồi, hết chiến tranh rồi, thống nhất đất nước rồi!”. Ông bảo, trên khuôn mặt hốc hác, sạm đi vì đạn bom, ai cũng nở nụ cười rạng rỡ, xen lẫn những giọt nước mắt vì mừng vui ngày chiến thắng…

Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”…

Vẫn chất giọng rắn rỏi, vị tướng trận mạc đưa chúng tôi về với không khí hân hoan của những ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cả những câu chuyện về cuộc đời ông, về ý chí nuôi lớn giấc mơ của một cậu bé lớp ba mới học chưa tròn con chữ.

5b.jpg
Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm bên người vợ đảm đang. Ảnh: N. LỘC

Bước ra từ chiến tranh, người lính Lộ Khắc Tâm trở lại cuộc sống đời thường với bao ấp ủ, hoài bão. Ông bảo thuở nhỏ không có cơ hội học hành, nên ông luôn khát khao học tập, chia sẻ hiểu biết của mình với các thế hệ sau. Sau khi hoàn thành các khóa học, ông được phân công công tác tại Học viện Quân sự cấp cao, nay là Học viện Quốc phòng và là một trong số ít cán bộ đạt học vị Tiến sỹ khoa học quân sự. “Thế hệ chúng tôi, những người lính vào sinh, ra tử may mắn được trở về không có mong muốn gì hơn, đó là tiếp tục cống hiến cho đất nước, cho quân đội” - vị tướng nhớ lại. Với những cống hiến to lớn, năm 2002, ông được phong hàm Thiếu tướng và giữ chức Phó Cục trưởng Cục Tác chiến cho đến lúc nghỉ hưu.

Với những cống hiến to lớn cho đất nước, Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm đã vinh dự được trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và nhiều huân, huy chương, Bằng khen cao quý khác.

Nửa đời gắn bó với trận mạc, vị tướng cho biết, bản thân may mắn khi được chứng kiến ngày khải hoàn của đất nước. Nhưng ở chiến trường xưa, bao đồng đội còn nằm lại. Bởi thế, ông luôn đau đáu được làm điều gì đó, nhỏ thôi, nhưng ý nghĩa để tri ân đồng đội. Nghĩ là làm, nhiều năm nay, ông đã dành số tiền hưu để trở lại chiến trường xưa, nơi đại ngàn Trường Sơn với mong muốn tìm lại hài cốt đồng đội. Kết quả đến nay, hơn 100 hài cốt liệt sỹ được tìm thấy. Dù hầu hết chưa xác định được tên, nhưng ở phương trời nào đó, các anh cũng cảm thấy ấm lòng!...

Cùng với những ký ức về một thời hoa lửa, thời khắc được khoác lên mình màu áo lính là dấu ấn được ông say sưa kể với niềm cảm hứng bất tận. Còn lại, ông khá kiệm lời khi nói về bảng thành tích nối dài từ chiến tranh đến thời bình. Và xuyên suốt câu chuyện, ông không cho chúng tôi gọi là tướng. “Xin hãy gọi tôi là người lính bộ đội Cụ Hồ”./.

Cùng chuyên mục
  • Hiệp định Giơ-ne-vơ: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam
    7 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Cùng với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (Hiệp định được ký kết tại TP. Giơ-ne-vơ, Thủy Sĩ) đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm ở nước ta, mở ra một chương mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định trong một điều ước quốc tế.
  • Đoàn kết quốc tế trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
    7 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam, Lào, Campuchia; sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa (nhất là Liên Xô và Trung Quốc), của giai cấp công nhân và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
  • Ký ức chiến sỹ Điện Biên!
    7 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã khép lại cách đây 70 năm, song những ký ức về một thời gian khổ, hào hùng “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” ấy chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của những người lính Điện Biên năm xưa…
  • Mãi mãi tri ân đội quân trung hiếu mẫu mực
    7 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang sôi nổi tiến hành các hoạt động thiết thực kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2024, trong đó có 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 49 năm Giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
  • 38 tác phẩm đạt giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”
    7 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ ba (2023-2024) và phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).
Ngày hội non sông qua ký ức lão tướng quân đội