Ngày 5/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, từ 1/8/2023 đến 31/7/2024, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng giải quyết dứt điểm đối với từng vụ việc. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành quan tâm, là một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, và cán bộ, công chức làm công tác tham mưu.
Dù tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong giai đoạn này là 321 vụ việc, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2023; nhưng đến nay đã giải quyết được 296 vụ việc, đạt 92,2%. Các vụ việc còn lại đều đang được các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp xác minh, giải quyết theo quy định.
Trong thời gian này, trên địa bàn tỉnh có 7.609 vụ việc kiến nghị, phản ánh thì hiện đã giải quyết được 6.184 vụ việc, đạt tỷ lệ 81,3%. Các vụ việc phát sinh được quan tâm chỉ đạo giải quyết đúng quy định.
Về công tác tiếp công dân, trong thời gian này, tổng số lượt tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 5.478 lượt, số người được tiếp là 6.174 người, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Thủ trưởng các cơ quan tiếp định kỳ, đột xuất là 18.301 kỳ, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp 12 kỳ, với 25 lượt, 45 người; giám đốc các sở tiếp trực tiếp 55 kỳ, với 15 người.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc tiếp công dân đầy đủ, theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính là một điểm sáng trong thực hiện công tác này của tỉnh Nghệ An.
Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, UBND tỉnh, các sở, ngành cần quan tâm phân tích số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai chiếm tỷ lệ lớn; chỉ đạo sát sao hơn UBND các huyện, thành phố trong thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; chú ý phân loại đơn thư để tránh chuyển những đơn thư về bản chất là khiếu nại, tố cáo sang kiến nghị, phản ánh, không phản ánh đúng thực trạng…
Một số ý kiến lưu ý, tỉnh Nghệ An cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng thực hiện lấy ý kiến người dân, đánh giá tác động môi trường khi triển khai các dự án để hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo...
Đồng thời, tìm ra các biện pháp, giải pháp để giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc, nổi cộm được đa số người dân quan tâm; hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện tồn đọng, kéo dài, vượt cấp. Đặc biệt, cần thường xuyên nắm sát, giải quyết sớm những mâu thuẫn, xung đột trên địa bàn, không để lây lan, phát sinh phức tạp.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành đã giải trình vấn đề được Đoàn giám sát đặt ra.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Trưởng đoàn giám sát đề nghị, để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND tỉnh Nghệ An cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có chất lượng, hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ, 6 nhóm giải pháp đã xác định.
Trong đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật...
Đối với một số vụ việc cụ thể, tỉnh Nghệ An cần thành lập tổ công tác, rà soát hồ sơ thủ tục để có căn cứ xác định hướng giải quyết đối với những vụ việc được Đoàn giám sát quan tâm.