Nghệ An: Giải ngân gần 989 tỷ đồng vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm

(BKTO) - Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm của tỉnh Nghệ An đạt 21,37%, cao gấp 1,4 lần so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước.

1638053109306674337.jpg
Thi công cầu Hưng Đức vượt sông Lam thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: nghean.gov.vn

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An Phạm Hồng Quang cho biết: Kế hoạch năm 2023 giao đầu năm là 9.033,5 tỷ đồng, tính đến ngày 31/01/2024 đã giải ngân 8.586,774 tỷ đồng, đạt 95,05%, hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (đạt trên 95%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ chỉ đạt 84,86% kế hoạch giao đầu năm và 78,37% tổng kế hoạch giao).

Đối với nguồn vốn đầu tư công tập trung theo kế hoạch năm 2024, tính đến ngày 30/4/2024, đã giải ngân 988,933 tỷ đồng, đạt 21,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ (15,3%) và cao hơn so với bình quân cả nước (ước đạt 17,46%).

Trong đó, một số nguồn vốn giải ngân đạt khá như: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giải ngân 269,19 tỷ đồng, đạt 60,8%; nguồn thu xổ số kiến thiết giải ngân 11,444 tỷ đồng, đạt 40,87%; nguồn thu sử dụng đất giải ngân 93,576 tỷ đồng, đạt 36,7%.

Kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024, đã giải ngân 57,612 tỷ đồng, đạt 10%. Có 24 đơn vị/ tổng 68 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân khá. Các dự án trọng điểm liên vùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cơ bản đảm bảo theo tiến độ.

Tính đến ngày 30/4/2024, tổng 03 chương trình MTQG đã giải ngân 431,914 tỷ đồng, đạt 21,29% kế hoạch. Trong đ,ó kế hoạch năm 2022 và năm 2023 kéo dài, giải ngân 57,612 tỷ đồng, đạt 10,68%; kế hoạch năm 2024 giải ngân 374,302 tỷ đồng, đạt 25,13%.

Tại Hội nghị giao ban toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình MTQG năm 2024, diễn ra sáng 08/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đánh giá, năm 2024, việc triển khai kế hoạch đầu tư công khá thuận lợi, đã hoàn thành giao chi tiết 100% vốn cho các dự án; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như Giám đốc các Sở, ngành theo dõi từng dự án; tổ công tác cấp phòng, cấp tỉnh được thành lập và đã hoạt động tích cực; 100% chủ đầu tư đã hoàn thành cam kết và có đăng ký kế hoạch giải ngân hàng tháng...

Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương, chủ đầu tư phải bám sát kế hoạch và cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, nắm chắc, bám sát tình hình, đánh giá việc thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc và đề xuất điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn; nâng cao chất lượng đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực…

Theo đó, đối với nhóm các dự án không có vướng mắc (84 dự án/1.280 tỷ đồng), các đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn kịp thời các dự án này.

Đối với nhóm các dự án đang còn vướng mắc hoặc đang triển khai hồ sơ thủ tục (76 dự án/1.858 tỷ đồng), các đơn vị chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời; có phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, từng cá nhân, lấy hiệu quả xử lý công việc là tiêu chí đánh giá kết quả đạt được.

Đối với các dự án khởi công mới, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Đối với các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng (21 dự án ở địa bàn 15 huyện), đặc biệt là các dự án trọng điểm, UBND các huyện cần tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài.

Mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 6 không còn đơn vị, dự án giải ngân 0 đồng. Đến tháng 9 tất cả các dự án phải hoàn thành hồ sơ thủ tục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thi công trên hiện trường. Lưu ý, việc đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, đôn đốc các ngành, các huyện triển khai thực hiện đúng cam kết đã ký. Từ tháng 6, rà soát để đề xuất điều chỉnh, điều chuyển vốn kịp thời. Các dự án giải ngân chậm, dự án chưa giải ngân đồng nào kiên quyết điều chuyển để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt./.

Cùng chuyên mục
Nghệ An: Giải ngân gần 989 tỷ đồng vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm