Số người tham gia BHYT giảm do không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Hảo – Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2021, số người tham gia BHYT của cả nước đạt khoảng 91% dân số. Nhưng tỷ lệ này đã chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022, ước tính đến 30/9, tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 87,42% dân số, thấp hơn 3,59% so với cuối năm 2021.
Số người tham gia BHYT thuộc nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng đã giảm 4,9 triệu người so với năm 2020. Trong đó, phần lớn giảm ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa do Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định 861) (khoảng 3,1 triệu người không còn được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT do thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và người đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, trong đó có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số).
Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, 85 xã bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861, số người không còn được hỗ trợ kinh phí mua BHYT là 156.322 người.
Theo Quyết định 861, tỉnh Yên Bái có 79 xã thuộc diện điều chỉnh chính sách từ khu vực III, khu vực II xuống khu vực I. Theo đó, từ ngày 01/7/2021, có khoảng 170.000 người dân thuộc 7 huyện, thị xã đã không còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cấp thẻ BHYT miễn phí. Trong đó, huyện Trấn Yên có trên 31.000 người, Yên Bình trên 27.000 người, thị xã Nghĩa Lộ trên 33.000 người, Lục Yên trên 29.000 người… không được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT.
Việc thực hiện chính sách này từ tháng 7/2021 đã làm giảm tỷ lệ người tham gia BHYT của Yên Bái từ 97,3% còn khoảng 78%.
Huyện Văn Chấn có tỷ lệ hộ nghèo khoảng 23%, tỷ lệ hộ cận nghèo trên 7%, người dân được Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Tuy nhiên, khi thực hiện Quyết định 861, người dân đã không được hưởng chính sách BHYT như trước. Mặc dù BHXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai nhiều giải pháp để vận động người dân tham gia BHYT, nhưng hiện tại mới chỉ có gần 86% số người dân tham gia.
Ông Triệu Tòn Sếnh - thôn Tính Luất, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn - cho biết: Gia đình tôi phải mua thẻ BHYT hộ gia đình cho 5 khẩu, nhưng không có điều kiện kinh tế và Nhà nước không hỗ trợ tiền mua BHYT nữa nên chúng tôi không thể mua thẻ cho cả 5 người. Chúng tôi rất mong các cấp hỗ trợ những người dân khó khăn như gia đình tôi.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành sớm giải quyết những khó khăn trong thực hiện chính sách nói trên tại các địa phương nay không còn là các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trước mắt, cần có giải pháp hỗ trợ đóng BHYT cho 3,1 triệu người, trong đó đặc biệt quan tâm đến 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số ngay trong năm 2023.
Sẽ gỡ vướng về kinh phí hỗ trợ người nghèo mua BHYT
Bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành rà soát những bất cập nêu trên.
Đến nay, những vướng mắc liên quan tới việc thực hiện chế độ BHYT đối với người dân trong Quyết định 861 đã được Bộ Y tế tổng hợp, điều chỉnh.
Bên cạnh đó, việc mua thẻ BHYT cho nhân dân các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo cũng như nhân dân các xã vùng ATK tại Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được Chính phủ chỉ đạo và đưa vào Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT sửa đổi (Nghị định 146).
Đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định 146 và Dự thảo Nghị định đang trình Bộ Tư pháp. Những vướng mắc nói trên sẽ được tháo gỡ khi Nghị định 146 sửa đổi được ban hành – Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Để “vực lại” số người dừng tham gia BHYT do ảnh hưởng bởi Quyết định 861, BHXH tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp, như: Tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành tăng cường các giải pháp, biện pháp tăng số người tham gia BHYT; vận động người dân chịu tác động của việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình hoặc các nhóm BHYT khác.
Cùng với đó, rà soát số người bị ảnh hưởng, những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình… để đề nghị cấp thẻ BHYT.
Đối với những người tham gia BHYT không thuộc diện ngân sách Nhà nước hỗ trợ, ngành BHXH đã tăng cường vận động người dân chủ động tham gia BHYT hộ gia đình để bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh được liên tục. Ngoài ra, tích cực kêu gọi sự chung tay đóng góp, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn… Nhờ đó, nhiều người dân bị tác động bởi Quyết định 861 có đời sống khó khăn đã quay trở lại tham gia BHYT.
Tuy nhiên, theo BHXH tỉnh Yên Bái, để duy trì và tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, hoàn thành chỉ tiêu người dân tham gia BHYT đạt 96,5% vào năm 2025, cần sự vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở… để mọi người dân đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước./.