Đây là thông tin được các đại biểu cho biết tại Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai” do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Yên Bái cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 23/12.
Ông Lê Trọng Đảm - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam - chia sẻ, mặc dù luôn đề cao tinh thần cảnh giác và xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó theo phương châm “Hành động sớm để chủ động phòng, chống thiên tai” nhưng những cơn bão mạnh hiếm gặp như bão số 3 (Yagi) xảy ra trong tháng 8 và tháng 9/2024 kéo theo hoàn lưu gây mưa lớn trên diện rộng đã tạo ra những đợt lũ lịch sử trên các lưu vực sông ở miền Bắc.
Nhiều bản làng, đô thị chìm sâu trong nước. Sạt lở diễn ra khắp miền Bắc. Hệ thống đê liên tiếp gặp những sự cố lớn nhỏ. Hàng vạn ngôi nhà, cơ sở sản xuất, công trình nước sạch, thủy lợi bị phá hủy, hư hại.
Qua cơn bão Yagi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng để vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, cố gắng ở mức cao nhất để bà con vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai không bị đói, khát; những người yếu thế, người trong vùng nguy hiểm được hỗ trợ di tản đến nơi an toàn; công tác vận hành các hồ chứa lớn trên thượng nguồn các lưu vực sông đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến vùng hạ du.
Để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai, Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 430 tỷ đồng cho các tỉnh để hỗ trợ dân sinh và khôi phục sản xuất.
Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3; các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ 2.186 tỷ đồng và đã phân bổ 2.040 tỷ đồng/26 tỉnh, thành phố; Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, thành phố của 26 địa phương đã tiếp nhận 1.654,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả trong đó có khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ cam kết hỗ trợ kinh phí 16,7 triệu USD cho Việt Nam và đến nay, nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai đã được thụ hưởng như Yên Bái (5,1 triệu USD), Lào Cai (6,7 triệu USD), Hà Giang (1,4 triệu USD) và Cao Bằng (1,28 triệu USD)…
Các ý kiến cho rằng, việc kêu gọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác ứng phó sự cố thiên tai khẩn cấp đã được triển khai rộng khắp và nhanh chóng đến từng người dân tại nơi chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Đây là nguồn lực to lớn để hỗ trợ các địa phương và bà con tái thiết, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
"Nhờ những nguồn lực hỗ trợ đó, sau hơn 3 tháng kể từ khi cơn bão Yagi đổ bộ vào đất liền, những dấu hiệu hồi sinh đã xuất hiện trên khắp những thôn làng, những vùng đất tang thương” - ông Đàm cho biết.
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, ngay trong và sau cơn bão, Yên Bái đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân.
Ông Nguyễn Xuân Sang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Yên Bái cho biết, sau bão lũ, tỉnh sắp xếp ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, ưu tiên với hình thức xen ghép và tại chỗ.
Tại địa điểm sạt lở, với những khu vực tương đối an toàn, tỉnh khuyến cáo người dân gia cố mái. Với những hộ không thể sắp xếp tại chỗ, tỉnh đã đề xuất xây dựng 12 khi tái định cư, để bố trí cho gần 800 hộ dân, với mức kinh phí trên 300 tỷ đồng, dự kiến triển khai ngay trong năm 2025.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng tập trung trao đổi về bài học, kinh nghiệm rút ra trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai, cũng như những giải pháp để phục hồi sản xuất cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3../.