Chuyển đổi số - đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp

(BKTO) - Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào phát triển nông nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho người nông dân.

nong-san-ban-online20231021212121.jpg
Chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Ảnh: ST

Lợi ích thiết thực của chuyển đổi số với nhà nông

Từ những nông dân chưa từng biết sử dụng điện thoại thông minh…, nay nhiều người trở nên quen thuộc với các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, với doanh thu mang lại lớn bất ngờ và giảm bớt nhiều chi phí trung gian như cách làm truyền thống. 

Đơn cử như “Chợ phiên OCOP” do TikTok Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) thực hiện (từ tháng 4/2023) dưới hình thức livestream trên nền tảng TikTok đã đem lại doanh thu lên tới hơn 100 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng triển khai.

Tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế thường niên vừa được tổ chức, lần đầu tiên những phiên hàng online được mở bán đã thu hút đông đảo khách hàng, với nhiều sản phẩm, đơn hàng được bán trực tiếp, thay vì phải qua nhiều kênh phân phối, lệ thuộc như trước đây…

Theo GS,TS. Lê Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp, những dẫn chứng trên đây đã cho thấy sức mạnh của công nghệ số đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp và người nông dân trong tình hình mới.

“Khi công nghệ số được phát triển và ứng dụng trong nông nghiệp sẽ giúp gia tăng năng suất, giảm khoảng cách giữa người sản xuất với người tiêu dùng, từ đó đa dạng hóa sinh kế cho nông dân sản xuất nhỏ” - GS,TS. Lê Hồng Sơn cho biết.

Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, lợi ích của CĐS là điều không cần bàn cãi. Nó không chỉ giúp cho nông dân tiếp cận thông tin thị trường nhanh chóng, giúp họ áp dụng những phương thức canh tác tiên tiến mà còn giúp toàn bộ các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất được hưởng những giá trị số hóa mang lại. 

Hơn nữa, CĐS còn góp phần tạo ra sự minh bạch trong từng khâu sản xuất, từ gieo trồng đến thu hoạch và phân phối, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm. 

still0412_00001.jpg
Ứng dụng khoa học công nghệ sử dụng phun thuốc bằng máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Cổng thông tin huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên, ông Đỗ Minh Tuân cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và tính bền vững của các loại cây trồng chủ lực của Việt Nam.

Chuyển đổi số, lấy công nghệ cao làm mũi nhọn

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của CĐS, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình này cần tiến hành đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (từ quy trình sản xuất, chế biến đến thương mại điện tử) được coi là hướng đầu tư mũi nhọn cần được tập trung thực hiện để tạo sự lan tỏa lợi ích của CĐS đến với người dân. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNN Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Việt Nam với hơn 10 triệu hộ nông dân và hơn 30 triệu lao động đang trực tiếp sản xuất trong ngành nông nghiệp. Do đó, bên cạnh sự kỳ vọng, CĐS trong ngành nông nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức vì đối tượng tác động và liên quan trực tiếp là nông dân. Đây là đối tượng không có lợi thế trong CĐS do phần lớn chưa qua đào tạo, chậm thích nghi với công nghệ. “Nhưng nếu biết cách làm và đầu tư một cách bài bản để nông dân dần thay đổi thì CĐS nông nghiệp sẽ thành công và mang lại bước đột phá lớn” - ông Hiệp nhận định.

Bà Carrie Turk - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, việc triển khai CĐS trong nông nghiệp tại Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức.

Ví dụ như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; kỹ năng nhận thức và sử dụng thiết bị thông minh của nông dân vẫn còn ở mức thấp; các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chưa đầu tư đáng kể cho CĐS…

Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích của công nghệ số thì điều quan trọng Chính phủ, khu vực tư nhân, nông dân, nhà nghiên cứu và chuyên gia về nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với nhau.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết. Hiện cả nước có 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia; 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 18.089 ha. Trên cả nước có 290 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; hình thành gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao.

Bộ NNPTNT

Các chuyên gia về công nghệ cho rằng, Nhà nước không thể dàn đều, mà cần xác định những ưu tiên quan tâm đầu tư, từ đó mới có thể thúc đẩy CĐS một cách bài bản, hiệu quả. Đơn cử, trong giai đoạn đầu của CĐS, Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất để xây dựng hạ tầng, nguồn lực nhà nước cần trở thành “vốn mồi” để kích thích, thu hút đầu tư từ xã hội.

Còn các doanh nghiệp rất nhạy bén với thị trường. Đây là đối tượng dễ thích ứng với CĐS nhất nên khi có cơ chế, chính sách phù hợp, hoặc khi thấy lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ tích cực đầu tư cho công nghệ. 

“Nông dân là đối tượng yếu thế trong CĐS nên cần được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh việc tuyên truyền, thì cần cho người dân thấy được lợi ích thiết thực của CĐS thông qua những mô hình, cách làm hay” - Chuyên gia về kinh tế số, TS. Trần Quý cho biết.

TS. Khổng Trung Dân (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NNPTNT) cho rằng, để thúc đẩy CĐS, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, coi đây là động lực và giải pháp có tính chất quyết định sự thành công của tái cấu trúc ngành nông nghiệp. 

dscn3900.jpg
Nông nghiệp, nông dân là khu vực gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất và cần được quan tâm hơn cả. Ảnh: N.Lộc

Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu khi chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Nhấn mạnh CĐS trong nông nghiệp cần phải có hạt nhân, đó là các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang), việc CĐS tại các khu nông nghiệp này còn chậm, chưa phát huy được vai trò để lan tỏa, thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, để triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, Bộ sẽ sửa Nghị định về khu công nghệ cao để mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó có những chính sách, cơ chế đặc thù cho lĩnh vực này.

“Từ hiệu quả của mô hình các khu nông nghiệp công nghệ cao - nơi cho ra đời các nghiên cứu thực nghiệm, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị các viện, trường, trung tâm thông qua các bộ phận để chuyển giao kết quả nghiên cứu đến với người nông dân” - Bộ trưởng cho biết.

Cùng chuyên mục
Chuyển đổi số - đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp