Hạn mức tín dụng: Giữ hay bỏ

(BKTO) - Đến những ngày gần đây tôi vẫn giữ quan điểm là sau 10 năm áp dụng thì hạn mức tín dụng đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của nó, vì vậy nên bỏ và quay trở lại với các công cụ thị trường như chính sách lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc hay/và nghiệp vụ thị trường mở (OMO)...

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thêm nhiều thông tin thực tế thị trường tiền tệ và tín dụng ngân hàng từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại cũng như từ cơ quan quản lý nhà nước, quan điểm của tôi đã thay đổi. Mặc dù hạn mức tín dụng hay còn gọi nôm na là room tín dụng về bản chất là công cụ hành chính, trực tiếp can thiệp vào thị trường tín dụng ngân hàng nên cần loại bỏ một khi điều kiện thị trường cho phép và chín muồi, nhưng chưa phải là hiện nay và ngay bây giờ, khi cả yêu cầu quản lý vĩ mô lẫn vi mô đều cần tới một công cụ can thiệp trực tiếp vào quy mô tín dụng thay vì công cụ gián tiếp tương tự như ở các nền kinh tế thị trường đã phát triển đầy đủ và cạnh tranh lành mạnh.

Thực tế cho thấy, hạn mức tín dụng đã góp phần quan trọng nếu không muốn nói là quyết định đến mục tiêu kiềm chế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô suốt một thập kỷ qua ở nước ta. Sau khi lạm phát liên tục lên đến 2 con số giai đoạn 2008-2011 mà một trong những nguyên nhân cơ bản là tốc độ tăng tín dụng hằng năm lên đến 30% và thậm chí có năm (2007) lên tới kỷ lục trên 50%, thì chính hạn mức tín dụng kéo giảm xuống mức bình quân 12-14%/năm đã tạo điều kiện lý tưởng để tốc độ lạm phát liên tục nằm dưới mục tiêu mà Quốc hội đặt ra hằng năm...

Trong bối cảnh gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn đặt trên vai hệ thống các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại là chủ yếu với quy mô tín dụng đến giữa năm 2022 vẫn khoảng 125% GDP - tỷ lệ cao hàng đầu thế giới, thì việc kiên định hạn mức tín dụng cả năm 2022 ở mức 14% là cần thiết và hợp lý, nhất là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo vượt mục tiêu 6,5%, thậm chí có thể lên tới 7-7,5% trong khi lạm phát gần như chắc chắn ở mức dưới 4%. Dĩ nhiên, hạn mức tín dụng có thể linh hoạt điều chỉnh tăng thêm vào cuối năm 2022 nếu cần thiết, tuy nhiên, quyết định tăng và mức độ tăng hạn mức tín dụng phụ thuộc vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế và khả năng kiểm soát lạm phát năm 2023 tới đây.

Bên cạnh tổng hạn mức tín dụng nêu trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn giao hạn mức tín dụng cụ thể cho từng ngân hàng thương mại căn cứ vào các tiêu chí công bố công khai về quá trình hoạt động, khả năng quản trị ngân hàng và kiểm soát rủi ro cũng như đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định và chuẩn mực quốc tế. Hạn mức tín dụng cụ thể không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện hạn mức tín dụng chung mà còn trở thành một công cụ đặc biệt hữu hiệu trong việc cơ cấu lại hệ thống tài chính mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại vốn được khởi động từ cuối năm 2011. Thông qua giao hạn mức tín dụng cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tự cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng gắn với mở rộng quy mô tín dụng bên cạnh tăng vốn điều lệ, củng cố tiềm lực tài chính và đảm bảo an ninh an toàn hoạt động tín dụng ngân hàng. Đặc biệt, hạn mức tín dụng còn là sức ép buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém phải cơ cấu lại, giảm rủi ro hệ thống đồng thời thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường tín dụng ngân hàng. Rất thú vị là chính hạn mức tín dụng cụ thể cho từng tổ chức tín dụng, từng ngân hàng thương mại lại tác động rất tích cực đến quyết định lãi suất của mỗi tổ chức tín dụng, mỗi ngân hàng thương mại, cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay phù hợp với mục tiêu chính sách lãi suất của Chính phủ.

Tóm lại, hạn mức tín dụng cần bỏ để thị trường tín dụng ngân hàng vận hành theo đúng cơ chế và quy luật thị trường. Tuy nhiên, việc bỏ hạn mức tín dụng cần có lộ trình và điều kiện cụ thể, rõ ràng, trong đó điều kiện tiên quyết là thị trường tài chính phát triển để giảm gánh nặng cung ứng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế trên vai hệ thống các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường tín dụng ngân hàng thông qua hoàn thành chương trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại./.

Cùng chuyên mục
  • Để bảo đảm an ninh môi trường ở Việt Nam
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - An ninh môi trường (ANMT) thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống, là trạng thái các yếu tố cấu thành môi trường cân bằng, bảo đảm điều kiện sống và phát triển của con người và các loài sinh vật, bảo đảm không gây tác động lớn đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế quốc gia.
  • Chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ của người tố cáo
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Tháng 3/1960, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, tố cáo hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại, tố cáo. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố hơn”.
  • Vững tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với nửa đầu năm theo dự báo của hầu hết các tổ chức quốc tế và trong nước.
  • Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Những năm gần đây, Đảng bộ Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có rất nhiều cố gắng trong công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật Đảng.
  • Mười chín Tháng Tám: Chớ quên là ngày khởi nghĩa
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - 77 năm qua, ca khúc Mười chín Tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh vẫn sống mãi với thời gian. Không chỉ vì bài hát được sáng tác ngay trong ngày 19/8/1945 bởi chính tác giả là người đang trực tiếp tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội, mà còn bởi những lời ca mang âm hưởng sôi động, hào hùng của cả dân tộc đang vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân sau bao năm nô lệ, bị đọa đày dưới ách thống trị của thực dân phong kiến.
Hạn mức tín dụng: Giữ hay bỏ