Với quan điểm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tạo thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, ngành BHXH Việt Nam đã và đang triển khai song song các hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH.
Hiện nay, Quy trình phối hợp số 2286/C06-TCKT giữa BHXH Việt Nam với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06- Bộ Công an) về việc triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được BHXH các tỉnh, thành phố tích cực thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn một số tồn tại gây phản ứng của một bộ phận người hưởng.
Liên quan đến vấn đề này, BHXH Việt Nam cho biết, theo khoản 3, Điều 18 Luật BHXH 2014, người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH theo một trong các hình thức chi trả sau: Trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền; thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng; thông qua người sử dụng lao động.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt như: Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 phê duyệt về Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030.
Để việc thực hiện Quy trình phối hợp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra, tránh những phản ứng từ phía người hưởng, BHXH Việt Nam cũng đã quán triệt và yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố chỉ đạo BHXH các quận, huyện bên cạnh chi trả qua thẻ ATM, vẫn phải duy trì hình thức chi trả bằng tiền mặt nếu người hưởng có nhu cầu.
Đồng thời, coi việc rà soát thông tin người hưởng và thực hiện chi trả qua tài khoản cá nhân là việc làm thường xuyên, liên tục trong điều kiện BHXH các tỉnh, thành phố, quận, huyện phải thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách như: Phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế; kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tập trung thanh quyết toán tài chính./.