Người lao động sẽ cùng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật

(BKTO) - Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tại Diễn đàn "Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động" diễn ra chiều 30/11, trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

6(1).jpg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Thu Trang

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong những năm gần đây, việc phát huy vai trò người lao động, đoàn viên công đoàn tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có bước chuyển mới. Công đoàn xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thiết thực trong việc chăm lo, bảo vệ người lao động từ sớm, từ xa, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tuy nhiên, thời gian qua, người lao động mới chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách. Có những chính sách phù hợp với nhóm này, nhưng lại chưa phù hợp với nhóm khác, hoặc có những chính sách lẽ ra người lao động phải được thụ hưởng nhiều hơn nữa…

7(1).jpg
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Diễn đàn.

Chính sách pháp luật phải nói được tâm tư nguyện vọng của người lao động, vì vậy, chúng ta cần hướng tới người lao động cùng tham gia xây dựng chính sách để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Công đoàn cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để phát huy hiệu quả trong xây dựng chính sách pháp luật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

Góp ý về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Tổng LĐLĐ Việt Nam phải giữ vai trò trung tâm, thu nhập những phản ánh, kiến nghị của người lao động, có cơ chế phối hợp với Chính phủ trong tiếp nhận, phản hồi và tiếp thu, điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp, kịp thời.

Công đoàn không những tham gia ngay vào giai đoạn soạn thảo chính sách pháp luật, mà còn tham gia vào giai đoạn thẩm tra, lấy ý kiến tham vấn của người lao động, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, đặc biệt là đối tượng trực tiếp chịu tác động của luật.

TS. Bùi Sỹ Lợi

Công đoàn phải kiên trì đeo bám vấn đề đến cùng, quan trọng là phải có ý kiến trao đổi lại khi cơ quan soạn thảo tiếp thu giải trình, cần phải làm rõ tại sao tiếp thu, tại sao không tiếp thu để đeo bám đến cùng nhằm bảo vệ được quyền, lợi ích của người lao động và đoàn viên công đoàn.

Đồng thời, cần chủ động trong hoạt động đánh giá, khảo sát để có những phát hiện, kiến nghị, bảo vệ quan điểm của công đoàn trong quá trình tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

Từ thực tiễn hoạt động của công đoàn cơ sở, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai) Đinh Sỹ Phúc cho rằng, gần đây sự hiểu biết chính sách pháp luật của công nhân lao động đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ.

Do đó, công đoàn cần quan tâm nhiều hơn đến ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, nhưng cũng phải phản hồi, giải trình trước các ý kiến cho người lao động. Góc nhìn của những người trực tiếp thụ hưởng chính sách đôi khi cũng khác với góc nhìn của nhà quản lý, vì vậy, các cấp công đoàn cần tăng cường thêm các chương trình tiếp xúc với người lao động, lắng nghe ý kiến của người lao động, đến với họ để nghe họ nói, ông Đinh Sỹ Phúc đề xuất.

Còn theo Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Trung ương Đoàn Lê Hồng Hạnh, công đoàn cần tăng cường hơn nữa việc lắng nghe phản ánh từ đoàn viên, từ cơ sở để nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng, tình hình quan hệ lao động, hoạt động của các đơn vị, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đoàn viên, người lao động. 

Cùng chuyên mục
Người lao động sẽ cùng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật