Người lao động tiếc nuối vì "trót" nhận bảo hiểm xã hội một lần

(BKTO) - Thời gian qua, không ít người lao động đã nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần mong muốn được nộp lại số tiền đã nhận và đóng tiếp BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, quy định hiện hành không cho phép người lao động được nộp lại khi đã nhận tiền BHXH một lần.

d2ed039c9a0843561a19.jpg
Chị Lê Thị Hóa chia sẻ với cán bộ BHXH tinh Quảng Bình về sự tiếc nuối khi quyết định rút BHXH một lần. Ảnh: Đ.  KHOA

Chị Lê Thị Hóa (xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) từng làm công nhân tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh và tham gia BHXH được 10 năm 10 tháng. Khi dịch Covid-19 ập đến, chị Hóa phải nghỉ việc, hai vợ chồng trở về quê làm công việc tự do.

Đến cuối năm 2021, chị Hóa xin rút BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Khi đó, chị chỉ nghĩ đơn giản là rút BHXH một lần sẽ có một khoản để lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng khi nhìn cha mẹ mình già yếu không có lương hưu, không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để khám, chữa bệnh, chị Hóa cảm thấy hối tiếc và muốn đóng lại toàn bộ khoản tiền đã rút để tiếp tục tham gia BHXH nhưng không được chấp nhận vì pháp luật chưa có quy định này. Vì vậy, chị Lê Thị Hóa đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện từ đầu.

“Lúc rút BHXH một lần tôi cứ nghĩ là mình vẫn còn trẻ, mình đi làm công ty khác thì sẽ đóng lại nhưng rút xong mới thấy hối hận vì quá trình mình đóng đã dài rồi, giờ quay lại từ đầu thì cũng là vấn đề khó khăn” - chị Hóa chia sẻ.

Sự tiếc nuối của chị Lê Thị Hóa cũng là suy nghĩ của khá nhiều người lao động sau khi đã nhận BHXH một lần. Thực tế, nhiều người rút BHXH một lần chỉ vì muốn giải quyết những khó khăn của cuộc sống trước mắt, không thấy được những thiệt thòi khi rút BHXH một lần. Đặc biệt, khi rút BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động đã tự tước đi quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, nhất là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất, dẫn đến rủi ro trong tương lai khi đã hết tuổi lao động. Chính vì vậy, ngay sau đó, nhiều người đã có tâm lý tiếc nuối, muốn nộp lại số tiền đã rút.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm nay, có 302.000 lao động đã rút BHXH một lần. Dù con số có giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn con số bình quân hàng năm.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động thường rút BHXH một lần đối với những trường hợp đóng dưới 10 năm.Theo điều tra xã hội học, thì có đến hơn 61% người lao động sẵn sàng nhận BHXH một lần, chỉ có hơn 31% kiên quyết không rút và gần 8% không bày tỏ ý kiến.

Nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần chủ yếu là do thu nhập thấp, không có tích lũy, công việc bấp bênh và không có niềm tin dài hạn vào chính công việc mình đang làm. “Thực tế trên đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có các giải pháp phù hợp để điều chỉnh bổ sung các quy định về pháp luật lao động và BHXH cho giai đoạn tới nhằm khuyến khích công nhân không lựa chọn hình thức rút BHXH một lần” – ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét bổ sung quy định bảo lưu thời gian đóng sau khi hưởng BHXH một lần vào Dự thảo sửa đổi Luật BHXH để người dân có cơ hội tiếp tục tham gia đóng BHXH.

Theo ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dù trong nội dung sửa đổi Luật BHXH sắp tới không đề nghị nội dung này nhưng đây cũng là vấn đề ban soạn thảo đang cân nhắc để tới đây sửa Luật có hay không bổ sung quy định này. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, nếu có thực hiện thì cũng cần có những quy định để hạn chế việc rút và đóng, như quy định khoảng thời gian nhất định sau khi rút BHXH một lần được phép bảo lưu.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, theo quy định hiện nay, khi rút BHXH một lần thì toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động không được bảo lưu, tuy nhiên khi sửa đổi Luật BHXH cũng nên cân nhắc nội dung này. Trong trường hợp nếu áp dụng cũng cần có quy định rõ ràng về thời gian bảo lưu và thiết kế chính sách theo hướng bao phủ hết thực tế đời sống, tránh tình trạng lạm dụng việc rút BHXH một lần sau đó đóng bổ sung./.

Cùng chuyên mục
Người lao động tiếc nuối vì "trót" nhận bảo hiểm xã hội một lần