Phải chuyển đổi từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế tri thức
Phó Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Hội đồng thời gian qua trong phát triển giáo dục, nguồn nhân lực với những điểm đổi mới, đột phá, cách tiếp cận ngày càng hiện đại, hội nhập, kết hợp với những giá trị nhân văn, văn hoá của dân tộc.
Theo Phó Thủ tướng, tình hình thế giới đang có nhiều biến động, đứng trước thách thức mang tính thời đại, những khủng hoảng toàn cầu. Nếu vẫn duy trì mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên hiện nay, đến năm 2050, nhân loại phải cần tới 3 trái đất. Thực tế này đặt ra yêu cầu bức thiết phải chuyển đổi từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế tri thức.
"Tri thức chính là tài nguyên mới. Nguồn nhân lực, nhân tài và đổi mới sáng tạo là động lực đột phá. Bằng tài nguyên tri thức, động lực con người, các nước đang phát triển, đi sau có thể về trước. Vì vậy, Hội đồng cần tập trung bàn định, thảo luận những vấn đề có tính chiến lược trong đổi mới giáo dục, đào tạo, trước hết là nhận thức nhưng phải sớm chuyển sang hành động" - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng, từ các góc độ khoa học, giáo dục, quản lý nhà nước… xác định kế hoạch, chương trình làm việc, ưu tiên một số mục tiêu cụ thể, đề xuất giải pháp, giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, đổi mới cả nội dung, hình thức, tạo ra những thay đổi đột phá.
Nhắc đến những trăn trở, mong muốn chính đáng của phụ huynh, gia đình, xã hội và tương lai của đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng cũng cần có tiếng nói ủng hộ những xu hướng, xu thế có tính cách mạng, đúng đắn trong đổi mới giáo dục, đào tạo, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, đánh giá, thi cử…; đồng thời, tiếp tục khẳng định những vấn đề căn cốt, lâu dài đối với việc phát triển giáo dục và nguồn nhân lực cần làm sâu sắc hơn.
Tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng, đại diện một số địa phương đã nêu những vấn đề cấp bách từ thực tiễn như công tác phân luồng giáo dục nghề nghiệp ở bậc trung học phổ thông; lộ trình triển khai chương trình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) để đáp yêu cầu đào tạo nhân lực của nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, đánh giá, thi cử…
Đáng chú ý, các thành viên Hội đồng nhấn mạnh yêu cầu có kế hoạch hoạt động rõ ràng, cụ thể trong từng công việc đối với những vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực, liên địa phương trong giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - cơ quan thường trực của Hội đồng - cần đề xuất danh mục các vấn đề thực tiễn cấp bách cần giải quyết, từ đó đưa ra phương án thực hiện cụ thể như tổ chức họp chuyên sâu, chuyên đề, phân công nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành...
“Đổi mới giáo dục là vấn đề rất lớn, phức tạp, có những mục tiêu đặt ra phải 5-10 năm mới đạt được. Vì vậy, quá trình đổi mới phải thống nhất, kiên định với mục tiêu đặt ra; bảo đảm tính ổn định, đồng thuận về quan điểm, tư duy; đồng bộ về pháp luật, tổ chức bộ máy, có sự đầu tư mang tính hệ thống, khoa học phù hợp với điều kiện của đất nước” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Phải có ngân hàng đề thi chất lượng, được chuẩn hóa
Hội đồng dành nhiều thời gian để thảo luận về các đề xuất của Bộ GD&ĐT đối với các phương án tổ chức thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông (phương án thi tốt nghiệp) từ năm 2025.
Các đại biểu cho rằng, phương án thi tốt nghiệp phải tiếp cận đồng bộ, bài bản, xuất phát từ sự đổi mới phương pháp dạy và học, chương trình, sách giáo khoa, đào tạo giáo viên, đánh giá thi cử, quản lý nhà nước về giáo dục… theo hướng tăng cường sự tham gia chủ động của chính quyền địa phương, lấy trường học làm trung tâm, cơ sở, nền tảng.
Việc đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần được phân tích, đánh giá khoa học, lượng hoá được, phù hợp với nội dung, mục tiêu, lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo trong từng giai đoạn.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu số 1 của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá được chất lượng đào tạo bậc phổ thông, còn đào tạo nghề, cao đẳng, đại học cần định hướng dựa trên năng lực, phẩm chất, mong muốn của học viên, sinh viên, không chạy theo bằng cấp, thành tích.
Do đó, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 phải theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội "theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tập trung đầu tư cho ngân hàng đề thi chuẩn hoá cho tất cả địa phương, vùng miền, xây dựng tiêu chí đánh giá phù hợp với lộ trình thực hiện và mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tổ chức phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 phải bảo đảm đơn giản, khoa học, đúng mục tiêu, hiệu quả, nhằm đánh giá chính xác năng lực, quá trình học tập của học sinh một cách thực chất, "học gì thi nấy".
"Phương án nào cũng phải có ngân hàng đề thi chất lượng, được chuẩn hoá, quy chế bảo đảm thực hiện thống nhất" - Phó Thủ tướng hết sức lưu ý và đề nghị Bộ GD&ĐT cung cấp thông tin hết sức khoa học, công khai, minh bạch để nhân dân biết được chủ trương, quá trình triển khai, cách thức thực hiện đổi mới thi cử so với mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ tất cả các phương án, đề xuất về phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, bao gồm cả yêu cầu về quản lý nhà nước, điều kiện tổ chức thực hiện như ứng dụng hạ tầng chuyển đổi số, dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, thí điểm cho phép một số địa phương tự ra đề, tự tổ chức kỳ thi theo định hướng tiêu chí của Bộ.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT xây dựng đề án tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 toàn diện, giải pháp cụ thể, nhất là về ngân hàng đề thi, phương án tổ chức thực hiện, thí điểm phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương.
Tại Phiên họp, Phó Thủ tướng cũng nêu quan điểm, định hướng phát triển nguồn nhân lực xuất phát từ nền tảng của hệ thống giáo dục vận hành thông suốt, đồng bộ từ bậc mầm non đến đại học, sau đại học./.