Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đóng góp lớn phát triển năng lượng quốc gia

(BKTO) - Khi chọn Dung Quất là nơi đặt Nhà máy Lọc dầu (NMLD) đầu tiên của đất nước, Chính phủ đã giao những nhiệm vụ quan trọng cho Nhà máy là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần tự chủ nguồn cung xăng dầu và nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu của đất nước.

2.jpg
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: VIR

Theo đó, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, NMLD Dung Quất đã có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, của miền Trung và cả nước nói chung.

Nam châm hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ngãi

Tại Hội thảo “Đánh giá tác động dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đối với kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi” vừa diễn ra ngày 16/6, ông Hoàng Hồng Hiệp - quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ nhận định, Khu kinh tế Dung Quất được thành lập năm 2005, với quy mô 10.300 ha tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và hiện đang tiếp tục được mở rộng về diện tích.

Đây là Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là ngành công nghiệp lọc dầu - hóa dầu - hóa chất, các ngành công nghiệp có quy mô lớn, công nghiệp hàng tiêu dùng, gắn với phát triển và khai thác hiệu quả cảng biển.

Hiện nay, tại Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi có khoảng 350 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 380,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 54 dự án nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD và 296 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 337 nghìn tỷ đồng.

Trong số đó, có 197 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 63 nghìn lao động. NMLD Dung Quất là doanh nghiệp lớn nhất - là nam châm tăng trưởng cho kinh tế tỉnh Quảng Ngãi và thu hút đầu tư.

Nguồn thu ngân sách từ Khu kinh tế hàng năm đạt khoảng 24.000 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 80% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Quảng Ngãi; cao nhất đạt 27.500 tỷ đồng vào năm 2013 - chủ yếu từ đóng góp của NMLD Dung Quất.

Năm 2022, nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng, trong đó BSR đóng góp 54% thu ngân sách tỉnh. Có thể nói, những bước phát triển mạnh mẽ của Khu kinh tế Dung Quất có vai trò đặc biệt quan trọng của NMLD Dung Quất.

Cơ sở sẵn có của NMLD Dung Quất chính là nền tảng để Nhà nước đầu tư các dịch vụ logistic phục vụ kinh tế như cảng nước sâu, cảng hàng không.

Hiện nay, cảng Dung Quất đang là cảng có lợi thế rất lớn do có đê chắn sóng của NMLD Dung Quất dài 1,6 km. Trong tương lai không xa, đây sẽ trở thành cảng hàng hóa vận tải than, thép, xăng dầu lớn nhất cả nước.

Hạt nhân của Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia

Ông Nguyễn Hải Trường - Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi nhấn mạnh, vai trò của NMLD Dung Quất là vô cùng lớn, đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dầu khí…

3.jpeg
Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: VIR

Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi, tới năm 2030, Quảng Ngãi sẽ là một tỉnh công nghiệp với quy mô của hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim đứng đầu cả nước.

Để tiếp tục phát huy và khai thác hết các tiềm năng và lợi thế sẵn có của tỉnh Quảng Ngãi và NMLD Dung Quất, ngày 03/11/2022, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ “Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất”.

Việc xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia sẽ tạo đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi với hạt nhân là NMLD Dung Quất - ông Nguyễn Hải Trường nhận định.

NMLD Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn/năm, trải qua 15 năm, NMLD đã chế biến được hơn 94 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 86 triệu tấn sản phẩm, mang lại doanh thu gần 1,7 triệu tỷ đồng.

Ông Hà Hoàng Việt Phương - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi cho biết thêm: “Để thực hiện các mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi tập trung hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn hoàn thành dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất nhằm nâng tổng công suất chế biến, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến để đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài, giúp tối ưu hóa chi phí đầu vào, bảo đảm khả năng cạnh tranh và nâng cao tiêu chuẩn môi trường của sản phẩm. Ngoài ra, ổn định Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylen Dung Quất; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ Nhà máy đa dạng hoá sản phẩm, phát triển và tăng tỷ lệ các sản phẩm hoá dầu”.

Nêu rõ hơn về kết quả hoạt động của BSR, ông Lê Hải Tuấn - Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển của Công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế của BSR sau 15 năm đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước hơn 207 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD).

Số liệu thống kê 15 năm (từ năm 2009-2023) cho thấy, sản lượng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của BSR đều có sự tăng trưởng mạnh. Với những hoạt động chuyên sâu, NMLD Dung Quất đã góp phần hoàn thiện ngành Dầu khí từ khâu khai thác đến chế biến dầu khí.

Để phát huy các thế mạnh sẵn có, hoạt động ngày càng hiệu quả, BSR mong muốn các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, lập đề án xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, cần có quy hoạch và lộ trình phát triển Trung tâm một cách đồng bộ nhằm tối ưu cơ sở hạ tầng, phụ trợ, tiện ích. Ưu tiên quỹ đất và mặt biển xung quanh NMLD Dung Quất để mở rộng các dự án hóa dầu, hóa chất và năng lượng cho lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia trong tương lai.

Đồng thời tăng cường chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn, thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng và công nghiệp phụ trợ vào Khu kinh tế Dung Quất.

Cùng chuyên mục
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đóng góp lớn phát triển năng lượng quốc gia