
Lỡ cơ hội vì nguồn nhân lực chưa đảm bảo…
Theo thống kê gần đây của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 lao động nhưng thực tế nguồn cung chỉ bảo đảm được khoảng 20.000 nhân lực. Trong số đó, tỷ lệ lao động du lịch có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm xấp xỉ 10%; sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm hơn 50%; dưới sơ cấp khoảng 40%.
Trong tổng số lao động du lịch đó chỉ có 43% là được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch.
“Có thể thấy, bức tranh về lao động du lịch Việt còn những khoảng trống, những cái thiếu cần được khắc phục cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới” - ông Lê Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Đào tạo và Môi trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định.

Một trong những yếu tố người lao động thiếu nhất hiện nay là kỹ năng cứng về nghiệp vụ, kiến thức tin học, ngoại ngữ, giao tiếp, ứng xử... Mặt khác, người lao động giỏi lý thuyết, nhưng kém về năng lực thực hành và ứng dụng công nghệ cao vào quá trình lao động; khả năng làm việc theo nhóm, tính sáng tạo, chuyên nghiệp trong quá trình lao động còn nhiều hạn chế, khả năng giao tiếp, năng lực giải quyết xung đột trong quá trình lao động còn yếu kém.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia về du lịch thì có nhiều, song bắt đầu từ khâu đào tạo.
“Các cơ sở đào tạo hiện chưa có một quy trình chuẩn hóa, vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm. Việc này ít nhiều làm giảm mức độ cạnh tranh của du lịch Việt, khiến chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế” - một doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cho biết.
Nguyên nhân có phần là do trước đây có sự thiếu thống nhất, kết nối giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp với hai Bộ chủ quản khác nhau, trong khi cả hai cấp đào tạo này đều đào tạo ngành nghề hướng dẫn viên hoặc liên quan đến du lịch.
Theo các chuyên gia, tất cả những hạn chế, bất cập này đang khiến cho ngành du lịch bỏ lỡ cơ hội “vàng”, khi có những thời điểm nguồn nhân lực không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu của du khách, hoặc chậm chân hơn so với những thị trường cạnh tranh trong khu vực.
“Thực tế, nhìn sang thị trường như Thái Lan hay Malaysia, những quốc gia tương đồng nhưng luôn vượt Việt Nam về số lượng khách quốc tế. Thậm chí, số khách quốc tế đến Thái Lan còn cao gấp đôi so với đến Việt Nam, dù tình hình ổn định chính trị tại đây không được đánh giá cao bằng Việt Nam. Đây là câu chuyện đáng suy ngẫm!” - đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.
Cần những giải pháp đồng bộ, đồng lòng…
Do đặc thù du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên đòi hỏi nhân lực trong lĩnh vực này cần có vốn sống, khả năng hiểu biết phong phú, cũng như thích nghi với mọi hoạt cảnh để kịp thời nắm bắt nhu cầu của du khách. Điều này đặt ra yêu cầu để đào tạo ra một hướng dẫn viên du lịch đạt chuẩn cần có sự tham gia phối hợp của các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp vào quá trình này.

TS. Vũ Xuân Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nay là Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, các cơ sở có đào tạo du lịch phải gắn kết với hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để dự báo nhu cầu lao động, xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo sinh viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề.
Trong đó, thỏa thuận doanh nghiệp là nơi thực hành, thực tập của cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của sinh viên; phối hợp dự báo nhu cầu nhân lực của các ngành du lịch về số lượng, yêu cầu chất lượng.
Năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, và đạt tổng thu từ du lịch khoảng 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng, vươn đến mốc thu triệu tỷ đồng.
Trong đó, việc đảm bảo chất lượng nhân lực du lịch là yêu cầu tiên quyết để ngăn tình trạng phát triển "nóng", cũng như thúc đẩy phát triển bền vững ngành du lịch.
TS. Nguyễn Phương Thảo (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp với vai trò là đơn vị trực tiếp sử dụng lao động, nên khi tham gia vào quá trình đào tạo sẽ đóng góp tích cực vào việc đảm bảo sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tài chính và đầu tư cơ sở vật chất hoặc hỗ trợ chi phí thực tập; tuyển dụng và phát triển nhân lực sau khi tốt nghiệp, hỗ trợ sinh viên phát triển nghề nghiệp bền vững…
Liên quan đến chương trình, nội dung, hình thức đào tạo, đại diện Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam nêu rõ, các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu xây dựng giáo trình dựa trên tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo du lịch có sự phù hợp với yêu cầu tại Việt Nam. Phải điều chỉnh chương trình và các hình thức đào tạo theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông; đồng thời tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp…
“Điểm thuận lợi hiện nay là đào tạo nghề cũng đặt dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với giáo dục đại học, do đó sẽ thuận lợi trong việc thống nhất định hướng, chương trình đào tạo” - PGS,TS Mạc Văn Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết.

Đặc biệt, để đảm bảo đánh giá đúng chuẩn đầu ra đào tạo, các cơ sở đào tạo cần những bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng của những nhóm nhân lực trong ngành du lịch này và thường xuyên cập nhật các tiêu chí mới theo tình hình thực tế. Ví dụ như những tiêu chí về năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý, sử dụng công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ hay một số kỹ năng mềm khác…
Bên cạnh giải pháp trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, các ý kiến cũng đề nghị cần có thêm trợ lực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động. Trong đó, cần đổi mới cơ chế làm việc của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch theo hướng linh hoạt, gắn chặt với thị trường để chủ động đáp ứng được các thay đổi, đòi hỏi từ bên ngoài, đồng thời thu hút được các nguồn lực để nâng cao hiệu quả hỗ trợ quá trình phát triển du lịch, nhân lực du lịch tại địa phương.
Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nhân lực, không chỉ tại các cơ sở giáo dục, mà còn đào tạo nội bộ từ doanh nghiệp; có chính sách thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia quốc tế về du lịch tham gia công tác đào tạo…