Nhất quán, đảm bảo tính độc lập của hoạt động kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Ngày 17/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Có thể nói, Chỉ thị đã tạo nên một luồng gió mới, làm dịu đi những bức xúc của cộng đồng DN khi trong một năm có những DN phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra. Chỉ thị cũng phân định rõ thêm chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đặc biệt, Chỉ thị đã thể hiện sự nhất quán trong chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ nhằm đảm bảo tính độc lập của hoạt động KTNN theo quy định của pháp luật.



Kim chỉ nam để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

Trong Chỉ thị này, việc cần phải tôn trọng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) của KTNN và kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, cũng như cần phải kế thừa kết quả của thanh tra, kiểm toán đã được Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh: “Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động KTNN thì chủ động phối hợp, trao đổi với KTNN, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên”.


KHKT hằng năm được KTNN xây dựng khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai. Ảnh: Đ.SƠN

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Trước đó, ngày 22/02/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 98/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với KTNN, trong đó nêu rõ: “Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc các Bộ, ngành căn cứ KHKT hằng năm của KTNN rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo gây khó khăn cho địa phương, DN và đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định của pháp luật”. Như vậy, Chỉ thị đã thể hiện rõ sự quyết liệt, nhất quán trong chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ nhằm thực hiện cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo tính độc lập của hoạt động KTNN theo quy định của pháp luật.


KHKT được xây dựng khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với KTNN ngày 13/4/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã nhấn mạnh: Thực hiện theo Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn, kế hoạch thanh tra của các Bộ, ngành bao giờ cũng ưu tiên KHKT của KTNN, tiếp đến là kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, sau đó mới là kế hoạch thanh tra của các Bộ, ngành. Hằng năm, KTNN có mời các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính, góp ý vào KHKT năm… Trên thực tế, khi triển khai có sự trùng lặp thì phải điều chỉnh quyết định thanh tra của Bộ.

Cũng tại đây, ông Nguyễn Quang Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: Xu hướng của thế giới hiện nay là chuyển sang kiểm toán nhiều hơn, chứ không phải là thanh tra. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ để có thể áp dụng. Điều này sẽ giúp khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Trên thực tế, KTNN luôn rất quan tâm công tác xây dựng KHKT. Từ tháng 6 hằng năm KTNN đã xây dựng KHKT; từ tháng 7 đã tiến hành trao đổi với Thanh tra Chính phủ và thanh tra các Bộ, ngành, Ủy ban Kiểm tra; sau đó xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, rồi trao đổi với Thanh tra Chính phủ một lần nữa mới đi đến hoàn thiện và ban hành. Nếu Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc các Bộ thực hiện nghiêm ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 98/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ như đã nêu ở trên thì sẽ không có sự trùng lắp, chồng chéo gây khó khăn cho địa phương, DN và đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 05/4/2017, tại buổi làm việc giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng đã khẳng định KTNN luôn tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, đảm bảo trao đổi, thống nhất với các cơ quan có liên quan trước khi ban hành KHKT năm. Chẳng hạn như, trong quá trình lập KHKT năm 2017, KTNN đã trao đổi, tham khảo ý kiến Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan; đồng thời xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV ngày 02/11/2016. Trên cơ sở đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1955/QĐ-KTNN ngày 6/12/2016 về KHKT năm 2017 và ngay lập tức được công khai theo Luật KTNN và được gửi tới các cơ quan hữu quan theo đúng quy định.

Quy định pháp luật xác định rõ đối tượng kiểm toáncủa KTNN

KTNN là cơ quan hiến định độc lập. Địa vị pháp lý, vai trò của KTNN đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 tại Khoản 1, Điều 118: “Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Như vậy, Hiến pháp đã xác lập nguyên tắc: Ở đâu có tài chính công, tài sản công là phải được kiểm toán theo quy định, không phân biệt đối tượng quản lý và sử dụng, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công.

Luật KTNN thể hiện ý chí của toàn dân, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về hoạt động KTNN đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 24/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Phân tích trên cơ sở pháp luật hiện hành cho thấy, hoàn toàn không có sự chồng chéo, trùng lắp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, vì đối tượng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và việc ban hành KHKT của KTNN do Luật định. Theo quy định của Luật KTNN, KTNN có chức năng “đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” (Điều 9 Luật KTNN); việc xây dựng KHKT năm của KTNN được căn cứ vào Khoản 1, Điều 10 Luật KTNN, theo đó KTNN có nhiệm vụ “Quyết định KHKT hằng năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện”.

Cũng căn cứ trên cơ sở Luật KTNN, đối tượng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình được quy định cụ thể như sau:

Về đối tượng kiểm toán, Điều 4 của Luật KTNN quy định: “Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Như vậy, theo quy định này thì dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng tài chính công, tài sản công thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN.

Về đơn vị được kiểm toán, theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 của Luật KTNN: “Đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Đồng thời, Khoản 9, Điều 55 của Luật KTNN quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình là “Ban quản lý dự án đầu tư có nguồn kinh phí NSNN hoặc có nguồn gốc từ NSNN”.

Từ những quy định trên cho thấy dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng tài chính công, tài sản công, cụ thể là Ban quản lý dự án đầu tư có nguồn kinh phí NSNN hoặc có nguồn gốc từ NSNN thuộc thẩm quyền kiểm toán của KTNN.

Từ khi thành lập, đặc biệt là những năm gần đây, KTNN luôn chú trọng kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng công trình. Điều này xuất phát từ tầm quan trọng của các dự án đầu tư xây dựng công trình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương, đơn vị.
Việc đầu tư các công trình xây dựng, nhất là những công trình quan trọng quốc gia không chỉ tiêu tốn lượng lớn ngân sách, tiền và tài sản nhà nước mà còn liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó đòi hỏi các dự án đầu tư xây dựng công trình không chỉ được xem xét về mặt kỹ thuật mà còn phải xem xét các khía cạnh về kinh tế - xã hội; do vậy, nếu không có một cơ quan độc lập, có đủ năng lực chuyên môn, tuân theo các chuẩn mực nghề nghiệp xem xét, đánh giá một cách khách quan có thể sẽ gây ra những rủi ro, gây thất thoát, lãng phí lớn các nguồn lực tài chính công, tài sản công. Đây cũng là nhiệm vụ được các cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới thực hiện thường xuyên, liên tục.

ĐẶNG HẢI - HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
Nhất quán, đảm bảo tính độc lập của hoạt động kiểm toán nhà nước