Nhiều bất cập trong lập, phân bổ dự toán ngân sách địa phương

Kiểm toán nhà nước khu vực VIII | 31/08/2023 18:59

(BKTO) - Qua kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VIII đã chỉ rõ nhiều bất cập liên quan đến công tác lập, phân bổ dự toán.

z4651751468756_52995dc5ae940d0b7e010cbcf848ebb7.jpg
Công tác lập dự toán không đầy đủ mẫu biểu, không thuyết minh chi tiết các khoản thu chi theo yêu cầu. Ảnh minh họa

Dự toán chưa sát thực tế, phân bổ dự toán không đúng quy định

Một trong những bất cập nổi cộm được KTNN khu vực VIII chỉ ra là lập dự toán không đầy đủ mẫu biểu, không thuyết minh chi tiết các khoản thu chi theo yêu cầu (đối với những khoản lập cao hoặc thấp hơn hoặc cao hơn bất thường so với ước thực hiện).

Về lập dự toán NSĐP hằng năm của ủy ban nhân dân (UBND) các cấp để báo cáo cơ quan tài chính cấp trên: Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn thường xây dựng thấp; ước thực hiện cả năm không đạt so với dự toán được giao, chưa sát thực tế.

Sau khi được cấp có thẩm quyền giao, lập dự toán số thu cao hơn để bố trí một số nhiệm vụ của địa phương (rõ nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất). Đối với dự toán chi NSĐP, khi xác định Quỹ lương, ngạch bậc, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định lấy tại thời điểm số biên chế thực có mặt đến ngày 01/7.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy việc đối chiếu bảng lương của các đơn vị dự toán hoặc các địa phương báo cáo cơ quan tài chính cấp trên làm cơ sở phân bổ dự toán không chính xác, dẫn đến số giao dự toán cao hơn so với nhu cầu của đơn vị.

Trong công tác phân bổ dự toán chi thường xuyên NSĐP giữa các cấp ngân sách, Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh phân bổ ngân sách chủ yếu theo tiêu chí dân số và các tiêu chí bổ sung được đánh giá là dễ thực hiện, đảm bảo tính công bằng, hợp lý giữa các địa phương. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy dự toán UBND cấp tỉnh giao cho cấp huyện hoặc cấp xã không đảm bảo khớp đúng dự toán tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trong quá trình quyết định phân bổ dự toán thu, chi ngân sách, trường hợp HĐND quyết định dự toán thu ngân sách cấp mình được hưởng cao hơn mức cấp trên giao thì dự toán chi bố trí tăng thêm tương ứng (không kể tăng chi tiền sử dụng đất), sau khi dành 70% số tăng thu thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại các địa phương bố trí các nhiệm vụ chi không ưu tiên bổ sung dự phòng NSĐP. Việc này chưa phù hợp theo khoản 9 Điều 3 Thông tư số 122/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2022.

Đối với việc phân bổ, giao dự toán chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các dự án, công trình của địa phương, theo quy định, thu tiền sử dụng đất được điều tiết ngân sách cấp huyện hưởng, mặc dù quỹ đất đóng trên địa bàn xã và HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phân chia tỷ lệ thu tiền sử dụng đất giữa ngân sách cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, việc xác định loại trừ chi phí là không đủ cơ sở, dẫn đến không thể thực hiện...

Chậm ban hành các hướng dẫn

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, đối với các địa phương có dân số thấp, diện tích rộng, vị trí địa lý khó khăn, định mức phân bổ chi ngân sách của từng lĩnh vực chi mặc dù đã có hệ số cao hơn so với mặt bằng chung nhưng các địa phương này vẫn gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để đảm bảo các nhiệm vụ chi theo phân cấp.

Định mức chi chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ ở các địa phương trọng điểm của vùng, của quốc gia cũng như thúc đẩy tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nguyên nhân chủ yếu là do các dịch vụ sự nghiệp rất đa dạng, trong đó, một số dịch vụ rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá của lĩnh vực đó chưa được ban hành đầy đủ hoặc có những trường hợp đã ban hành đầy đủ nhưng nếu tính đủ định mức thì vượt quá khả năng cân đối của NSNN.

Đối với việc lập dự toán, theo khoản 1 Điều 9 Luật Quy hoạch năm 2017, việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật đầu tư công. Trong khi đó, kinh phí cho công tác quy hoạch tại các địa phương giai đoạn 2011-2016 được bố trí chi thường xuyên.

Các nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch không có điều khoản chuyển tiếp để các địa phương tiếp tục thực hiện kinh phí đã được bố trí từ năm trước chuyển sang và các năm tiếp theo cho đến khi Chính phủ ban hành các nghị quyết liên quan đến công tác quy hoạch và Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (năm 2019).

Bên cạnh đó, việc xây dựng dự toán được bắt đầu từ cơ sở, trình tự lập từ dưới nhưng giao nhiệm vụ thu, chi lại theo chiều ngược lại nên đây là một quy trình hết sức khó khăn, phức tạp, dẫn tới tình trạng dự toán ngân sách giao cho các đơn vị ngân sách cấp dưới không bảo đảm về chất lượng cũng như thời gian theo quy định. Hơn nữa, quỹ thời gian lập ngân sách, xem xét quyết định ngân sách rất ngắn nên không đủ đảm bảo quyền dân chủ và chất lượng của dự toán ngân sách, hơn nữa, việc làm này lại mang tính áp đặt, gây khó khăn cho công tác lập dự toán ngân sách.

Theo khoản 6 Điều 44 Luật NSNN: “Trước ngày 10/12, HĐND cấp tỉnh quyết định dự toán NSĐP, phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm sau. HĐND cấp dưới quyết định dự toán NSĐP, phân bổ ngân sách năm sau của cấp mình chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày HĐND cấp trên trực tiếp quyết định dự toán và phân bổ ngân sách”. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thực hiện dự toán ngân sách cho năm sau của cơ quan cấp trên thường ban hành vào giữa tháng 12, dẫn đến việc phân bổ và giao dự toán thường bị động cho các cấp chính quyền địa phương.

Ngoài ra, tác động thu ngân sách từ việc điều chỉnh giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công, tác động đến việc lập dự toán thu và ảnh hưởng đến việc giảm chi NSNN. Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định: “Giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN...”. Tuy nhiên, đến nay, các Bộ, ngành Trung ương chưa ban hành đầy đủ định mức kinh tế - kỹ thuật theo từng lĩnh vực. Do đó, địa phương không đủ căn cứ để làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN tại địa phương, cũng như xác định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công./.

Cùng chuyên mục
Nhiều bất cập trong lập, phân bổ dự toán ngân sách địa phương