Sáng 31/8, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Kiểm toán hoạt động việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của KTNN”.
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Đề tài do TS. Nguyễn Hữu Hiểu (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ kiểm toán, KTNN) và ThS. Phạm Thành Ngọc (KTNN chuyên ngành III) - đồng chủ nhiệm.
Kiểm toán để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản công
Đại diện Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Hữu Hiểu cho biết, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công (TSC). Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, việc đầu tư, mua sắm TSC còn nhiều sai phạm; công tác quản lý đôi lúc còn buông lỏng; quá trình sử dụng TSC còn lãng phí, hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý tài sản.
KTNN luôn xác định việc đánh giá tính tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC của các đơn vị được kiểm toán và phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng TSC nhằm bảo đảm nguồn lực công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Thời gian qua, các mục tiêu này luôn được các đoàn kiểm toán quan tâm thực hiện. KTNN đã có nhiều phát hiện giá trị về hoạt động quản lý, sử dụng TSC tại các đơn vị được kiểm toán. Tuy vậy, kết quả kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC tại các đơn vị được kiểm toán chưa được như mong muốn.
Điều này do nhiều nguyên nhân: Việc phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC chưa được quan tâm đúng mức; trình độ, kinh nghiệm của kiểm toán viên nhà nước tham gia kiểm toán việc quản lý, sử dụng TSC chưa đồng đều; kinh nghiệm về KTHĐ quản lý, sử dụng TSC chưa nhiều; chưa có sự thống nhất toàn Ngành về nội dung, tiêu chí, phương pháp phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng TSC…
“Để góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung và KTHĐ quản lý, sử dụng TSC nói riêng, cần quan tâm và hoàn thiện KTHĐ việc quản lý, sử dụng TSC tại các đơn vị được kiểm toán. Do vậy, việc nghiên cứu Đề tài này là cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với hoạt động kiểm toán của KTNN” - TS. Nguyễn Hữu Hiểu nhấn mạnh.
Đề tài gồm 3 chương: Chương I: Những vấn đề lý luận về KTHĐ việc quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chương II: Thực trạng KTHĐ việc quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của KTNN; Chương III: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện KTHĐ việc quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của KTNN.
Hoàn thiện kiểm toán hoạt động theo 3 đối tượng
Góp ý cho Đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá, Đề tài có tính thời sự và có ý nghĩa khoa học, là đề tài nghiên cứu về lý luận và thực tiễn để nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung và KTHĐ quản lý, sử dụng TSC nói riêng.
Đồng thời, Đề tài cũng có ý nghĩa về mặt lý luận và là cơ sở tham khảo đối với những nghiên cứu tiếp theo cùng chủ đề. Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của Đề tài có giá trị tham khảo nhất định đối với KTNN trong việc hoàn thiện KTHĐ nói chung và KTHĐ đối với việc quản lý, sử dụng TSC nói riêng của KTNN.
Để Đề tài hoàn thiện hơn, ThS. Lê Tùng Lâm - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - đề nghị Ban Đề tài bổ sung thêm khái niệm KTHĐ và phân tích đặc điểm của KTHĐ so với các loại hình kiểm toán khác do KTNN thực hiện, chỉ ra đặc điểm của KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của KTNN cho phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
Ông Lâm cũng đề nghị Ban Đề tài tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các hạn chế và nguyên nhân để đảm bảo logic và tương ứng với nội dung đề xuất ở Chương III; cân nhắc phương pháp định giá tài sản cho phù hợp với điều kiện thực tiễn về nguồn lực, điều kiện, cơ sở pháp lý và trách nhiệm của KTNN về kết quả thẩm định giá của kiểm toán viên nhà nước đưa ra nếu thực hiện thẩm định lại giá trị tài sản của đơn vị, đặc biệt trong trường hợp có khiếu nại, khởi kiện; bổ sung các tài liệu cần thu thập tại mỗi tiêu chí kiểm toán làm căn cứ thực hiện.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị Ban Đề tài nghiên cứu làm rõ đặc thù, nguồn hình thành TSC tại các đơn vị sự nghiệp công lập; bổ sung thực trạng các phát hiện kiểm toán liên quan đến việc quản lý quá trình hình thành tài sản (quyết định chủ trương đầu tư mua sắm, thực hiện đầu tư mua sắm tài sản); nghiên cứu các hướng dẫn kiểm toán hiện hành có liên quan đến công tác đầu tư xây dựng dự án, đấu thầu, mua sắm tài sản… để bổ sung tiêu chí kiểm toán đánh giá công tác hình thành tài sản…
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên đánh giá: Đề tài mang tính thời sự cao, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nội dung của Đề tài đang là vấn đề nóng hiện nay, được nhiều người quan tâm cả góc độ quản lý và thực hiện, không riêng KTNN mà kể cả các Bộ, ngành, các đơn vị sử dụng tài chính, tài sản công nói chung.
Để Đề tài chất lượng hơn, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên trong Hội đồng để hoàn thiện Đề tài; biên tập làm rõ thêm những vấn đề về lý thuyết, lý luận, đặc biệt là tính liên kết, mối quan hệ giữa tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong KTHĐ.
Đặc biệt, cần nghiên cứu các tình huống thực tiễn để bổ sung và đề xuất những giải pháp về cơ chế nhằm mục tiêu chung là sử dụng tài chính, TSC, đặc biệt là vấn đề về đất đai, trụ sở làm việc, xe ô tô cho hiệu quả hơn, kinh tế hơn.
Mặc khác, bổ sung một số quy định hướng dẫn kiểm toán cho có tính thực tiễn, đặc biệt là vấn đề hướng dẫn sử dụng tiêu chí kiểm toán gắn với phương pháp, thủ tục kiểm toán, từ việc thu thập thông tin cho đến phân tích những thông tin đó để đánh giá theo các tiêu chí về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với từng đối tượng.
“Đề tài có thể tập trung vào 3 đối tượng là đất đai, trụ sở làm việc và xe ô tô để gắn với các tiêu chí nêu trên, điều đó sẽ có giá trị thực tiễn hơn đối với kiểm toán viên” - GS,TS. Đoàn Xuân Tiên chỉ rõ.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.