Nhiều dấu ấn nổi bật, khẳng định vị thế của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Nhìn lại quá trình công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của KTNN, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, bản lĩnh của KTNN trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào thành công của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.




Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, bản lĩnh của KTNN trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả nổi bật. Ảnh tư liệu

Thẳng thắn, cương trực vàbản lĩnh

Theo các đại biểu Quốc hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực, KTNN đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. KTNN đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là triển khai các nghị quyết, các chương trình giám sát theo chương trình giám sát của Quốc hội. KTNN đã chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra trong quá trình xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm toán và từng bước khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan. Kế hoạch kiểm toán được KTNN triển khai một cách khoa học, hợp lý hơn và cơ bản hoàn thành theo kế hoạch, với nhiều giải pháp đổi mới trong hoạt động kiểm toán, chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, tính hiệu lực trong sử dụng tài chính công, tài sản công; tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán và chất lượng công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị của kiểm toán…

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) phân tích, qua 5 năm, KTNN đã kiến nghị xử lý trên 350.000 tỷ đồng, tức là gấp 3,5 lần kiến nghị của giai đoạn 2011-2015. Trong khi NSNN chi tiêu của giai đoạn này chỉ gấp khoảng 1,4 lần so với giai đoạn 2011-2015. Điều đó chứng tỏ rằng, kết quả, hiệu quả của KTNN giai đoạn 2016-2021 tăng lên rất nhiều so với giai đoạn trước. Số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra cũng tăng 45%. Trong khi nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta kiểm soát chống tham nhũng rất tốt, nên chắc chắn số vi phạm không thể tăng lên nhưng số phát hiện kiểm toán lại tăng lên so với giai đoạn trước. Điều này chứng tỏ bản lĩnh kiên định của kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng.

Cũng theo đại biểu Cường, trong nhiệm kỳ qua, số hồ sơ, tài liệu KTNN cung cấp cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Thanh tra Chính phủ tăng lên gấp 5 lần so với trước. “Chúng ta phải khách quan đánh giá rằng, thành công của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua có sự đóng góp không nhỏ của cơ quan kiểm toán. Những buổi thảo luận tại hội trường cần có những số liệu cụ thể để đưa ra tranh luận về biểu hiện của thất thoát, tham nhũng, chúng ta đều phải dựa trên số liệu của kiểm toán. Các đợt đi giám sát, các thông tin có chất lượng nhất giúp các đoàn giám sát cũng phải dựa vào số liệu của kiểm toán. Do vậy, tôi cho rằng, chúng ta cần đánh giá rất cao những thành quả đạt được của kiểm toán, thể hiện tính thẳng thắn, cương trực và bản lĩnh của kiểm toán cũng như của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ vừa qua” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Khẳng định nhiệm kỳ qua, KTNN đã nỗ lực rất lớn để thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp cũng như nhiệm vụ được giao, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) nhấn mạnh, hoạt động KTNN không chỉ có ý nghĩa ở tầm quốc gia mà đối với địa phương cũng giúp cho vấn đề quản lý tài chính, vấn đề điều hành ngân sách của UBND, HĐND, góp phần làm lành mạnh nền tài chính và góp phần thực hiện cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành.

Tăng cường vai tròcủa KTNN trong phòng,chống tham nhũng

Ghi nhận những đóng góp quan trọng của KTNN, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra một số vướng mắc và kiến nghị đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTNN trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, nhiều đại biểu đề nghị cần có giải pháp hiệu quả, mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán. Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), trong nhiệm kỳ vừa qua, số thực hiện kiến nghị kiểm toán về tài chính hằng năm đạt bình quân khoảng 73,6%. Như vậy, trong 5 năm qua, mỗi năm tồn tại khoảng hơn 25% số kiến nghị xử lý tài chính chưa được thực hiện. Đại biểu Giang nhấn mạnh, kiến nghị kiểm toán theo quy định của Luật KTNN là có giá trị bắt buộc thi hành khi đã công khai. Vì vậy, các đơn vị được kiểm toán cần phải có giải trình rõ ràng về việc tại sao không thực hiện các kiến nghị kiểm toán. “Trong nhiệm kỳ tới, báo cáo hằng năm của KTNN cần phải nêu rõ hơn những kiến nghị đối với từng đơn vị cụ thể để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, để có các giải pháp thực hiện đúng quy định của Luật KTNN” - đại biểu Giang kiến nghị.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần nâng cao chất lượng kiểm toán, tăng cường công khai kết luận kiểm toán... Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị thêm, phải tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán. Theo đại biểu, Luật KTNN đã cho phép kiểm toán được quyền truy cập, khai thác các dữ liệu điện tử. Do vậy, chúng ta cần phải tích cực hơn nữa, nếu làm tốt việc này sẽ tiết kiệm được thời gian; KTNN sẽ khắc phục được khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu. “Nếu chúng ta áp dụng dữ liệu điện tử sẽ tạo ra được các thông tin thực sự khách quan, không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của người cung cấp, cũng như cá nhân cán bộ kiểm toán. Để thực hiện việc này, chúng ta cần phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia. Cơ quan kiểm toán phải đặt một mục tiêu hay một nhiệm vụ thực hiện chức năng kiểm toán hoạt động chuyển đổi số nói chung, trong đó cơ quan kiểm toán phải đi đầu” - đại biểu Cường đề xuất đồng thời kiến nghị có chế độ, chính sách để khuyến khích những người làm việc trong ngành kiểm toán, nhằm tăng cường vai trò kiểm toán trong việc phòng, chống tham nhũng...

N.HỒNG
Cùng chuyên mục
Nhiều dấu ấn nổi bật, khẳng định vị thế của Kiểm toán Nhà nước