Nhiều khả năng Fed sẽ dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6

(BKTO) - Sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp trong vòng 18 tháng, ngày càng xuất hiện nhiều chỉ dấu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (ngân hàng trung ương - Fed) đang tính tới việc “rà phanh” lãi suất để lắng nghe phản ứng của thị trường.

fed-afp.jpg
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Nguồn: Internet

Để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 7

Không chỉ giới đầu tư và các nhà phân tích, mà ngay cả ban lãnh đạo của Fed cũng đang phát đi những tín hiệu trái chiều về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này trong thời gian tới. Một số thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thể hiện quyết tâm thúc đẩy đợt tăng lãi suất thứ 11 liên tiếp sau cuộc họp hai ngày của FOMC (từ ngày 13-14/6 theo giờ Mỹ), nhằm thể hiện quyết tâm chống lạm phát tới cùng.

Tuy nhiên, không ít thành viên lại cho rằng việc siết chặt quá mức dòng tiền sẽ gây phương hại cho nền kinh tế Mỹ về tổng thể và biên độ 5-5,25% hiện nay là phù hợp. Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số thành viên ban lãnh đạo Fed cho biết ngân hàng này có thể giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 6, song cũng để ngỏ khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong tháng 7 trước khi dừng hẳn.

Một số nhà phân tích cho rằng tỷ lệ lạm phát dù có giảm, song còn cách rất xa mức mục tiêu 2%. Do đó, việc Fed đột ngột chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất có nguy cơ gây bất ổn cho các thị trường và khiến giới đầu tư hoài nghi quyết tâm kiềm chế lạm phát của Mỹ. 

Ông Andrew Hollenhorst, nhà kinh tế trưởng tại Citi Group, đánh giá các số liệu kinh tế hiện nay ủng hộ cho việc Fed tiếp tục nâng lãi suất, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi trong tháng 4 tăng 0,4% sau hai tháng giảm liên tiếp, lạm phát vẫn ở ngưỡng 4,4%, thị trường việc làm có thêm 339.000 lao động trong tháng 5.

Bên cạnh đó, thị trường nhà ở, vốn là một trong những khu vực nhạy cảm nhất với chính sách lãi suất, đang thể hiện sức chống chịu tốt với việc chi phí đi vay cao hơn. Ông Jonathan Millar, chuyên gia phân tích kinh tế uy tín của Ngân hàng Barclays, cho rằng Fed chưa chắc dừng ngay chu kỳ tăng lãi suất và “rất, rất nhiều khả năng sẽ có thêm một đợt tăng nữa”. Về phần mình, chuyên gia kinh tế Asawari Sathe thuộc tập đoàn Vanguard, cho hay giới đầu tư mong đợt Fed sẽ giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay hoặc vào giữa năm 2024 khi lạm phát đã thực sự hạ nhiệt.

Tuy nhiên, theo công cụ theo dõi Fed Watch, hiện nay khả năng Fed dừng tăng lãi suất lên tới 79,4%. Giới chuyên gia cũng tin rằng kịch bản Fed tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp là không cao, do hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự chuẩn bị cho việc tăng lương cơ bản ở Mỹ.

Ông Luke Tilley, một cựu quan chức Fed và hiện là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tư vấn đầu tư Trust Wilmington, cảnh báo khu vực ngân hàng của Mỹ sẽ lại đối mặt với một cơn bão mới nếu Fed tăng lãi suất cao hơn nữa.

Ông nêu rõ: “Fed đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất và ngân hàng trung ương này nên bắt đầu cắt giảm từ cuối năm nay. Lạm phát thấp hơn mức đỉnh rất nhiều, nền kinh tế giảm tốc đi kha khá”. Nhiều chuyên gia có chung quan điểm này, nhất là sau khi các thị trường đều chứng kiến cơn sóng gió ngành ngân hàng Mỹ vừa trải qua, mà một trong những nguyên nhân hàng đầu là do không thể “gánh” được mãi chi phí vay quá cao do lãi suất liên tục tăng.

Lắng nghe phản ứng của thị trường

lam-phat-my-reuters.jpg
Fed sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến của nền kinh tế trước khi đi đến quyết định về lãi suất - Ảnh minh họa

Trên thực tế, lịch sử kinh tế Mỹ cho thấy những quyết định về chính sách tiền tệ thường có độ trễ nhất định và các thị trường cần có thời gian để “ngấm” các thay đổi. Quan chức cấp cao của Fed Philip Jefferson lưu ý rằng việc tạm thời chưa tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 6 sẽ cho phép FOMC “lắng nghe” phản ứng của thị trường, đánh giá kỹ hơn các dữ liệu trước khi có thể tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 7.

Bên cạnh đó, dường như sau gần hai năm quyết liệt chống lạm phát, Fed giờ đây nhận thấy rằng ngân hàng này không cần thiết phải ghìm cương lạm phát bằng mọi giá. Những tín hiệu khởi sắc trên thị trường chứng khoán thời gian thời gian qua cũng củng cố thêm phương án Fed tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6. Theo Thời báo Phố Wall ngày 12/6, trước thềm cuộc họp của FOMC, chỉ số chứng khoán chủ chốt Dow Jones đã bật tăng 0,33%, chỉ số S&P 500 tăng 0,38%; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp, với mức tăng 0,13%.

Quyết định về chính sách tiền tệ của Fed sắp tới cũng phần nào phụ thuộc vào việc Bộ Lao động Mỹ công bố bản cập nhật Dự báo Kinh tế (SEP). Bản dự báo cập nhật này sẽ bao gồm các đánh giá mới nhất về thị trường lao động, việc làm, tỷ lệ lạm phát, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2023 và các năm tiếp theo. Trước đó, báo cáo SEP hồi tháng 3 cho rằng Fed sẽ tạm biệt năm 2023 với biên độ lãi suất hiện nay.

Sự chia rẽ giữa các thành viên của FOMC về lộ trình lãi suất phía trước đã khiến nhà đầu tư “xoay như chong chóng." Các nhà giao dịch hợp đồng kỳ hạn vào cuối tháng 5/2023 dự đoán về một đợt tăng lãi suất khác trong cuộc họp tới, nhưng giờ đây tỷ lệ đặt cược cho khả năng giữ nguyên lãi suất đã lên đến 70%. Nhiều nhà phân tích hiện cũng coi việc “đóng băng” lãi suất là kịch bản có khả năng xảy ra nhất.

Trong khi hầu hết các ngân hàng lớn dự đoán Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất, vẫn có một số nhà quan sát mong đợi Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Nếu đa số thành viên FOMC ủng hộ việc tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp lần này, các nhà phân tích kỳ vọng Fed sẽ phát đi tín hiệu tăng lãi suất thêm 1 lần nữa vào tháng Bảy và kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Sự sụp đổ của một loạt ngân hàng khu vực, bao gồm Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic, đã đẩy nhanh hành động thắt chặt các điều kiện tín dụng. Mặc dù điều đó sẽ làm phức tạp kế hoạch ổn định giá của Fed, nhưng cũng mang lại lợi ích cho ngân hàng trung ương khi chi tiêu bị cắt giảm, giúp giá cả hạ nhiệt.

Việc Fed liên tục tăng lãi suất sẽ gây tác động đến nền kinh tế. Tuy nhiên, các tác động này thường xuất hiện trễ sau vài tháng. Điều đó có nghĩa là Fed có thể muốn tạm dừng tăng lãi suất để theo dõi nền kinh tế. Điều này cũng phù hợp với khẳng định của Chủ tịch Powell rằng các hành động của Fed phụ thuộc vào dữ liệu thực tế, có nghĩa là cơ quan này sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến của nền kinh tế quốc gia, trước khi đi đến quyết định về lãi suất tiếp theo vào ngày 14/6.

Cùng chuyên mục
Nhiều khả năng Fed sẽ dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6