Cần thiết chế đủ mạnh để chấm dứt sở hữu chéo trong các ngân hàng

(BKTO) - Nhấn mạnh việc cần chấm dứt sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng song đại biểu Quốc hội cho rằng, các quy định trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa đủ mạnh để xử lý hiệu quả tình trạng này.

an4.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Thiết kế lại mô hình kiểm tra, giám sát

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 10/6, Quốc hội thảo luận toàn thể ở hội trường về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết, trong các phiên giải trình chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thường xuyên nhắc tới việc phòng ngừa rủi ro. Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định để phòng ngừa các rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Đây là một trong những chính sách rất quan trọng.

Tuy nhiên, từ vụ việc liên quan đến các ngân hàng ở Việt Nam cũng như trên thế giới thời gian qua, đại biểu cho rằng, cần thiết kế thêm các quy định đề phòng rủi ro mang tính chất hệ thống, để khi xảy ra sự cố thì hệ thống có thể chống đỡ hiệu quả được ngay.

Quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo, đại biểu nhấn mạnh, quan điểm là phải chấm dứt được tình trạng sở hữu chéo, không phải là hạn chế.

Việc sở hữu chéo, ai cũng nhận ra được, ai cũng biết nhưng để “chỉ mặt, đặt tên” ra thì rất khó. Bởi nó có sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng của chúng ta. Đây là vấn đề khó” - đại biểu Trịnh Xuân An nêu thực tế

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định thiết kế tại Điều 55 và Điều 127 Dự thảo Luật chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.

“Chúng ta chỉ chú trọng vào việc giảm tỷ lệ cổ phần và giảm phần cấp hạn mức tín dụng. Tôi cho rằng những giải pháp này mang tính chất rất thụ động.

Nhấn mạnh việc chấm dứt sở hữu chéo quan trọng vì liên quan đến công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần xem xét, thiết kế lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng.

“Để những sự việc xảy ra như SCB và nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngân hàng. Nhưng nội dung này trong Luật Tổ chức tín dụng mới thiết kế ở một điều. Theo tôi, cần phải có một chương về lĩnh vực này” - đại biểu đề xuất.

Cùng với đó, cần có cơ quan thanh tra, kiểm tra hoạt động tín dụng của ngân hàng mang tính độc lập. “Khi làm tốt khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý công khai minh bạch trong tất cả các giao dịch, chúng ta sẽ không cần giảm room cấp vốn, thậm chí có thể nâng cao hơn nhưng chúng ta quản lý được, tổ chức và cá nhân sẽ không dám và không thể thực hiện các hành vi sử dụng tài sản ngân hàng chéo với công ty của mình. Tôi cho rằng phải có thiết chế mạnh như thế mới mới xử lý nghiêm được” - đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

Dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức, tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các giải pháp nêu trong Dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.

Theo đại biểu, cần nghiên cứu bổ sung các quy định tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền của cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, có thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.

Cần nhiều công cụ và giải pháp

Làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc Dự thảo Luật điều chỉnh giảm các giới hạn về sở hữu của cổ đông cũng như là sở hữu của cổ đông và người có liên quan; giới hạn về cấp tín dụng cho một khách hàng với các người có liên quan cũng nhằm hướng đến mục đích hạn chế việc chống thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.

hong.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Theo đó, Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi người có liên quan so với những quy định của người có liên quan quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, muốn thực hiện quy định này trong Luật vẫn phải là vấn đề tổ chức thực hiện. Trong thực tiễn, có thể các cổ đông vẫn nhờ những người có liên quan đứng tên và ngân hàng cũng không thể nắm được.

“Vừa qua, một số vụ án mới thấy được có những trường hợp đứng tên sở hữu, nên quy định trong Luật chỉ là một trong những cách để hạn chế. Còn muốn giải quyết được việc này đòi hỏi rất nhiều các công cụ và giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau. Chẳng hạn như, minh bạch hóa cơ sở dữ liệu, các giao dịch của dân cư, cơ sở dữ liệu, các giao dịch về vốn cổ phần, giao dịch của các doanh nghiệp…” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận./.

Cùng chuyên mục
Cần thiết chế đủ mạnh để chấm dứt sở hữu chéo trong các ngân hàng