Đằng sau động thái tăng vốn của các ngân hàng

(BKTO) - Hàng loạt ngân hàng đã và đang nỗ lực tăng vốn điều lệ trong năm 2023. Đằng sau động thái tăng vốn này, nhiều mục tiêu, kỳ vọng cũng đã được các ngân hàng đặt ra…

anh-goc.jpg
NHNN đã chấp thuận tăng vốn điều lệ cho một số ngân hàng thương mại. Ảnh minh họa

Ngân hàng tấp nập tăng vốn

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ cho một số ngân hàng thương mại như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Bưu điện Liên Việt tăng vốn điều lệ từ 17.291 tỷ đồng lên mức 28.676 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.500 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Tiên Phong tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 6.199 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông tăng vốn điều lệ thêm 6.849 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại tư nhân khác cũng đang lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2023: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên hơn 79.339 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quân đội dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 9.000 tỷ đồng, lên 54.363 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 25.303 tỷ đồng lên 29.300 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quốc dân dự kiến tăng vốn điều lệ từ 5.602 tỷ đồng lên gần 11.802 tỷ đồng…

Khối ngân hàng thương mại nhà nước được kỳ vọng trở thành điểm sáng của hoạt động tăng vốn. Với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng. Nếu được đồng ý, vốn của Agribank sẽ tăng lên khoảng 51.430 tỷ đồng (cuối năm 2022, vốn điều lệ của Agribank đạt gần 34.330 tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2023 từ gần 12.330 tỷ đồng lên 60.387 tỷ đồng, hoặc trên 66.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng trong năm 2023 theo 2 đợt phát hành cổ phiếu. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 47.325 tỷ đồng lên trên 75.000 tỷ đồng.

Nhận định về xu hướng tăng vốn của các ngân hàng, TS. Châu Đình Linh (Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, thời điểm hiện tại, các ngân hàng đa phần tăng vốn qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Một số ngân hàng lớn đã gọi vốn ngoại thành công.

Thực tiễn cho thấy, nhờ có thương hiệu tốt, chiến lược kinh doanh rõ ràng, nhiều ngân hàng đã nhận về khoản tiền lớn thông qua việc thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Đơn cử, giữa tháng 4/2023, VPBank đã nhận khoản tiền đặt cọc 3.590 tỷ đồng từ SMBC. Dự kiến vào khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới, sau khi hoàn tất thủ tục, VPBank cũng sẽ nhận thêm 32.310 tỷ đồng nữa từ thương vụ bán 15% vốn cho SMBC. Bên cạnh VPBank, rất nhiều ngân hàng lớn cũng đang lên kế hoạch thu hút dòng vốn ngoại với các thương vụ ước tính lên tới hàng tỷ USD.

Nhiều mục tiêu từ tăng vốn

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu: Đối với nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn, vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng. Bởi vậy, theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu quan trọng của hoạt động tăng vốn là nhằm từng bước đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đặt ra từ Đề án này.

Đó là mục tiêu xa hơn, còn trước mắt, ở thời điểm hiện nay, khi mà các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, tăng vốn được kỳ vọng sẽ là biện pháp để ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV - nhận định, hệ số an toàn vốn tốn thiểu (CAR) của các ngân hàng Việt Nam không chỉ ở mức thấp mà còn cải thiện chậm so với khu vực. Việc bảo đảm CAR và tăng vốn trở thành vấn đề ưu tiên của nhiều ngân hàng năm 2023 trong bối cảnh rủi ro, bất ổn trên thế giới gia tăng và sức khỏe doanh nghiệp trong nước xấu đi.

Theo TS. Châu Đình Linh, một số ngân hàng cần tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, xa hơn là lộ trình Basel III trong thời gian tới. Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng có thêm tiềm lực để hiện thực hóa các chiến lược kinh doanh đề ra. Đây cũng là giải pháp để ngân hàng “ghi điểm” với NHNN trong việc xét tăng trưởng tín dụng.

Một thực tế đáng quan ngại hiện nay là nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh. Quý I/2023, tổng nợ xấu của 28 ngân hàng tăng hơn 23% so với cuối năm 2022, lên mức hơn 172.000 tỷ đồng. Trong đó, 7 ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%. Chỉ 3 ngân hàng giảm được nợ xấu so với đầu năm, tức là 25 ngân hàng còn lại có chất lượng tín dụng suy giảm. Chất lượng tín dụng của các ngân hàng được nhận định là xấu đi đáng kể khi nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) và nợ xấu (nợ nhóm 3-5) tăng mạnh sau 3 tháng đầu năm. Nợ xấu gia tăng sẽ tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống. Bởi vậy theo các chuyên gia, tăng vốn đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết để các ngân hàng có thêm nguồn lực ứng phó với rủi ro trước xu hướng gia tăng nợ xấu trong toàn hệ thống./.

Cùng chuyên mục
Đằng sau động thái tăng vốn của các ngân hàng