Nhiều khó khăn tác động đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh

(BKTO) - Những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã được phản ánh rõ nét trong kết quả kinh doanh thời gian qua, ngay cả với những DN được ghi nhận đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, điều này cũng không phải là ngoại lệ.

ttx.jpg
Nhiều khó khăn tác động đến sản xuất kinh, doanh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Khó khăn khiến tăng trưởng của doanh nghiệp giảm tốc

Theo kết quả khảo sát đối với Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2023, có tới 81,3% số DN cho biết vẫn giữ vững được đà tăng trưởng doanh thu trong năm 2022.

Khoảng 70% số DN ghi nhận lợi nhuận tăng lên so với năm trước, đặc biệt, hơn một nửa trong số đó đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 75%. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng lên của doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2021-2022 đều thấp hơn so với giai đoạn 2020-2021.

Kết quả khảo sát còn cho thấy, so với kế hoạch đề ra, tỷ lệ DN có doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 vượt kế hoạch đều thấp hơn so với năm 2021 trong khi tỷ lệ DN chưa đạt kế hoạch lại cao hơn.

Tỷ lệ DN ghi nhận số lượng đơn hàng tăng lên trong năm vừa qua cũng chỉ đạt 69,6%, sụt giảm đáng kể so với một năm trước đó (82,1%), tương đương giảm 17,6%. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ DN giảm số lượng đơn hàng cũng cao hơn nhiều so với một năm trước đó (21,7% so với 7,1%).

Đáng lưu ý, mặc dù số lượng đơn hàng giảm sút nhưng tỷ lệ cắt giảm nhân sự giai đoạn 2021-2022 lại thấp hơn so với tỷ lệ này ở giai đoạn 2020-2021. Điều này làm nổi bật những nỗ lực không ngừng của các DN tăng trưởng nhanh trong việc vượt qua thách thức, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Nhưng khi xét về mức độ hoàn thành kế hoạch một số chỉ tiêu kinh doanh của DN tăng trưởng nhanh, chỉ có 38,7% số DN hoàn thành vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022, trong khi năm 2021 có tới 48,6% DN hoàn thành vượt kế hoạch doanh thu và 56,8% hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận năm.

Còn số DN hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2022 là 25,8% và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận là 19,4% và số DN không hoàn thành kế hoạch doanh thu tăng lên tới 35,5% (năm 2021 chỉ là 29,7%) và số DN không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận tăng lên tới 41,9% (năm 2021 chỉ là 29,7%).

Tuy nhiên, theo chia sẻ của phần lớn lãnh đạo các DN, việc có thể duy trì hoạt động ổn định trong một năm nhiều biến động, rủi ro bất ngờ như năm 2022 đã là thành công lớn của DN.

Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ, chi phí đầu vào tăng được 84,4% DN ghi nhận là trở ngại lớn nhất phải đương đầu trong năm qua.

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường biến động (78,1%), bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (71,9%), gián đoạn chuỗi cung ứng (50%) và khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân sự (44,8%) là những cản trở lớn khác đối với DN trên lộ trình tăng trưởng.

Nhìn chung, phần lớn các khó khăn đều có xu hướng gia tăng so với năm 2021, trong đó tỷ lệ DN lo ngại về bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh tăng lên nhiều nhất (tăng 39,3%).

Ngược lại, mức độ tác động của đại dịch đã giảm đi đáng kể (giảm 47%) khi các nền kinh tế trên thế giới dần mở cửa trở lại, kéo theo đó là thách thức liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng cũng được cải thiện (giảm 3,5%).

Theo chia sẻ của các DN, Top 5 yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng DN năm vừa qua đều đến từ bên trong, trong đó, 02 yếu tố lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng là lợi thế sẵn có đội ngũ nhân sự chất lượng cao (75%) và phát triển thị trường hiện có (71,9%).

Kế đó là phát triển các dòng sản phẩm mới (53,1%); khám phá các phân khúc thị trường mới (46,9%) và ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành (43,8%).

Đáng lưu ý, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng mức độ tác động của phần lớn các yếu tố đều có xu hướng giảm so với năm trước đó (trừ việc tham gia hoạt động M&A). Trong bối cảnh nguồn lực bên trong bị giới hạn, một số DN đã tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua hoạt động M&A.

Kỳ vọng vào những cơ hội ở phía trước

Chia sẻ về những rào cản tăng trưởng của DN trong năm 2023, có tới 93,9% DN bày tỏ lo ngại về suy thoái toàn cầu sẽ diễn ra. Cộng đồng DN vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch, cần tích lũy để phục hồi nhưng lại phải đương đầu với nhiều cú sốc như tình hình xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và EU, lạm phát tăng cao…

Sự kết hợp cùng lúc của nhiều cú sốc đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Nhiều tổ chức dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc trong năm 2023. GDP thế giới năm nay được Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng ở mức 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3% mà WB công bố hồi tháng 6/2022.

Trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro; lãi suất, tỷ giá đều phải điều chỉnh tăng. Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, DN gặp khó khăn trong huy động vốn từ phát hành trái phiếu ảnh hưởng của khủng hoảng niềm tin…

Cùng với đó, 69,7% số DN cho rằng giá cả chi phí đầu vào, chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, vật tư tăng cao là những khó khăn lớn mà DN tiếp tục phải đối mặt.

Các khó khăn tiếp theo bao gồm: quan ngại từ thiên tai, dịch bệnh khó lường (36,4%); áp lực đơn hàng giảm, triển vọng xuất khẩu kém (33,3%) và khó khăn trong tuyển dụng được nhân sự phù hợp với yêu cầu của DN.

Mặc dù có nhiều lo ngại về một tương lại ảm đạm, nhưng theo các chuyên gia và DN, vẫn còn có cơ sở cho những kỳ vọng tích cực. Đặc biệt, vào nửa sau của năm 2023, triển vọng của nền kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn khi mối lo ngại lạm phát dần được giải tỏa và các ngân hàng trung ương đi đến chu kỳ cuối của chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,3% - cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo rất tích cực về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ 7,2% năm 2023.

Dưới góc nhìn của các DN tăng trưởng nhanh, đa số các DN đều thận trọng về triển vọng tăng trưởng trong năm 2023. Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch dự kiến trong năm nay, 62,5% DN cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh và 37,5% DN muốn giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.

Nhận diện về các cơ hội, 72,7% số DN kỳ vọng tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của DN rõ ràng hơn và nắm bắt được xu hướng thị trường sẽ là động lực lớn nhất cho sự phát triển của DN trong năm 2023.

Trong những trụ cột được kỳ vọng là động lực tăng trưởng của DN trong năm 2023, có tới 5 yếu tố đến từ nội lực của DN (sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh; đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao; vị thế và năng lực cạnh tranh; có mối quan hệ tốt với đối tác và khách hàng.

Động lực bên ngoài được các DN đánh giá cao nhất là “Trung Quốc mở cửa trở lại”. Kết quả này khá tương đồng với nhận định của các DN khi cho rằng các yếu tố đến từ nội lực đã đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của DN trong năm qua.

Cùng chuyên mục
Nhiều khó khăn tác động đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh