Không nên quy định quy mô dự án tối thiểu để được áp dụng PPP. Ảnh: Thái Anh
Một số đề xuất đối vớiDự thảo Luật
Chỉ áp dụng dự án đầu tư hình thức đối tác công - tư (PPP) đối với dự án thuộc những lĩnh vực trọng điểm, cần thiết như: giao thông; năng lượng; hệ thống cấp nước; hệ thống xử lý nước thải, chất thải; y tế.
Không quy định quy mô dự án tối thiểu để được áp dụng PPP, ban hành quy trình riêng cho dự án quy mô nhỏ, có giải pháp để thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Quy định rõ dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng cho tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến độc đạo hiện hữu. Các dự án BT còn phải nằm trong kế hoạch đầu tư công và được HĐND cấp tỉnh thông qua.
Chỉ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư; thực hiện đấu thầu công khai rộng rãi, trong đó phải đấu thầu công khai, minh bạch lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, chi phí xây lắp công trình dự án… để chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. Bãi bỏ quy định cho phép nhà đầu tư đề xuất và lập dự án đầu tư; quy định cụ thể việc cơ quan nhà nước lập, thẩm định, phê duyệt và giám sát thi công dự án PPP như dự án sử dụng NSNN.
Quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, chi phí lãi vay nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; hướng dẫn cụ thể thời điểm nhà đầu tư phải góp đủ số vốn tối thiểu theo cam kết của hợp đồng; quy định cụ thể về việc xác định tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư cho phù hợp với từng khu vực, từng dự án; quy định cụ thể về chi phí biến động của tỷ giá trong thời gian xây dựng trên cơ sở ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước, nhà đầu tư liên quan đến tiến độ thực hiện dự án.
Bãi bỏ quy định cho phép đặt trạm thu phí dưới 70 km; giám sát chặt chẽ việc xác định vị trí đặt trạm thu phí; quy định cụ thể đối tượng chịu phí, người nộp phí, các trường hợp được miễn phí, khung mức thu phí, đặc biệt là quy định thu phí đối với người dân địa phương nơi có trạm thu phí nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và của xã hội.
Chính phủ cần ban hành tiêu chí thành lập trạm thu phí dịch vụ, xây dựng mức giá phù hợp; ban hành khung tiêu chuẩn làm cơ sở để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng và giám sát doanh thu của các trạm.
Cần xác định thời điểm thanh toán dự án BT bằng quỹ đất là thời điểm bàn giao công trình hoàn thành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo đảm nguyên tắc thực hiện thanh toán dự án BT bằng quỹ đất theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán.
Đề nghị áp dụng phương án thành lập Quỹ Phát triển các dự án PPP vì Quỹ này linh hoạt, có thể huy động được dòng tiền từ nhiều nguồn và được hoàn trả khi ký kết hợp đồng PPP, bán hoặc nhượng quyền khai thác tài sản; kịp thời hỗ trợ được nguồn vốn của Nhà nước cho dự án trong quá trình thực hiện…
Nên bổ sung nhiệm vụ “tiền kiểm” đối với dự án đầu tư công cho KTNN
Để nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư PPP, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán dự án đầu tư PPP. Đề nghị bổ sung một số quy định về kiểm toán đầu tư PPP và trách nhiệm của KTNN trong hoạt động đầu tư PPP như sau: Các dự án đầu tư PPP phải được KTNN kiểm toán. Việc kiểm toán đầu tư PPP được thực hiện theo quy định của pháp luật về KTNN. Đồng thời, bổ sung một điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong hoạt động đầu tư PPP nhằm bảo đảm sự phù hợp và đồng bộ giữa Luật Đầu tư PPP và Luật KTNN.
Cùng với việc xây dựng Luật Đầu tư PPP, cần sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 để tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò và nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán đầu tư công của KTNN, cụ thể:
Bổ sung nhiệm vụ “tiền kiểm” đối với dự án đầu tư công. Theo quy định hiện hành, nhiệm vụ của KTNN tại khoản 4, Điều 10 Luật KTNN năm 2015 về trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách T.Ư, quyết định dự án, công trình quan trọng quốc gia nhưng chưa rõ ràng và gây khó khăn khi tổ chức thực hiện. Thực chất đây chính là hình thức kiểm toán trước của KTNN, nhằm bảo đảm các nguồn lực được động viên và phân bổ vào những mục tiêu phát triển của đất nước cũng như tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của các khoản chi NSNN, tránh sai sót, gian lận ngay từ khi lập và phân bổ dự toán, dự án. Mặt khác, việc đầu tư các công trình quan trọng của quốc gia không chỉ tiêu tốn số lượng lớn tiền, tài sản mà còn liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó đòi hỏi không chỉ phải xem xét về mặt kỹ thuật mà còn phải xem xét các khía cạnh về kinh tế, xã hội. Do vậy, nếu không có một cơ quan độc lập, có đủ năng lực chuyên môn, tuân theo các chuẩn mực nghề nghiệp xem xét, đánh giá trước khi Quốc hội thảo luận và quyết định có thể sẽ gây ra những rủi ro lớn. Nhiều nước có lịch sử phát triển KTNN lâu đời đều giao cho KTNN thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, cơ quan quản lý cần xem xét, sửa đổi theo hướng quy định rõ: KTNN thực hiện kiểm toán dự toán NSNN, các dự án, công trình quan trọng quốc gia để phục vụ cho việc xem xét, quyết định của Quốc hội.
Bổ sung các đơn vị được kiểm toán cho phù hợp đối tượng kiểm toán của KTNN. Điều 118 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Đồng thời, tại Điều 53 và Điều 55 Hiến pháp cũng quy định về tài sản công, tài chính công. Tuy nhiên, Luật KTNN năm 2015 quy định về đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết các đơn vị, tổ chức có hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thuộc phạm vi đối tượng kiểm toán của KTNN theo quy định của Hiến pháp, như: Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp NSNN; các tổ chức, đơn vị, chủ đầu tư sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản… Do vậy, cần bổ sung các đơn vị nêu trên vào phạm vi đơn vị được kiểm toán tại Điều 55 của Luật KTNN năm 2015 (sửa đổi).
TS. ĐẶNG VĂN HẢI
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 20-6-2019