Nhiều “nút thắt” đang cản trở sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế

(BKTO) - Việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) được xác định là một trong những nội dung quan trọng, hình thành từ đường lối “Đổi mới” của Đảng nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Theo thời gian, những đóng góp tích cực từ các KCN, KKT đã được ghi nhận, tuy nhiên, thực tế cũng đang bộc lộ rõ nhiều “nút thắt” ảnh hưởng đến sự phát triển của các KCN, KK

kcn.jpg
Một doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: ST

Đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Quy chế Khu chế xuất (năm 1991), Quy chế KCN (năm 1994), các quyết định thí điểm thành lập KKT cửa khẩu (năm 1996) và KKT ven biển (năm 2003)...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua các thời kỳ, các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tích cực tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các KCN, KKT được triển khai và đi vào hoạt động.

Việc hình thành và phát triển các KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Với vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra lĩnh vực tài chính công, tài sản công, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã góp phần tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả và phần nào đóng góp cho sự phát triển các KKT, KCN ở các địa phương. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã có những đánh giá, phát hiện, phân tích, làm rõ hơn các bất cập, hạn chế về quy hoạch; hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ; liên kết vùng; lao động và an sinh xã hội; vấn đề môi trường; ưu đãi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KKT, KCN; hiệu quả sử dụng đất… đã và đang ảnh hưởng tới sự phát triển của các KKT, KCN, tạo ra các “nút thắt” cần tháo gỡ để phát huy hết hiệu quả, vai trò của các KKT, KCN.

TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II

Động lực quan trọng nữa được nhiều chuyên gia chỉ ra là các KCN, KKT giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Cùng với đó, các KCN, KKT góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của DN trong KCN, KKT trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng nhanh qua các năm, từ 6% năm 1995 lên 19% năm 2005, đạt 50% năm 2015 và từ năm 2016 đến này luôn chiếm trung bình trên 55%. Giai đoạn 1996-2000, các KCN, KKT đã đóng góp trung bình khoảng 900 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 1,22% tổng thu NSNN hàng năm; giai đoạn 2011-2015 đóng góp khoảng 72.400 tỷ đồng/năm, chiếm 12,7% tổng thu NSNN trong nước (không kể dầu thô) và giai đoạn 2016-2020 đã đóng góp tới 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7%.

Các KCN, KKT còn giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước. Theo TS. Phan Chí Hiếu - Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, chỉ tiêu tạo việc làm, năng suất lao động của dự án trong KCN, KKT đều cao hơn bên ngoài. Quy mô sử dụng lao động trung bình của doanh nghiệp (DN) trong KCN là 244 lao động, trong khi con số này của các DN bên ngoài chỉ là 24 lao động; năng suất lao động của DN trong KCN cũng cao gấp 1,6 lần DN bên ngoài.

Việc phát triển KCN, KKT gặp khó khăn do nguồn lực lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội; duy trì lợi thế cạnh tranh của KCN, KKT trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất trong KCN, KKT còn hạn chế. Do vậy, cần có chính sách để các KCN, KKT tận dụng được lợi thế, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.

Ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KHĐT)

Đồng thời, các KCN, KKT đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, thực hiện định hướng tăng trưởng xanh; cũng như thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác.

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nêu rõ, còn nhiều vấn đề nổi cộm đang cản trở sự phát triển của các KCN, KKT. Thứ nhất, thể chế, chính sách chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò của các KCN, KKT trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khung pháp lý mới dừng lại ở cấp Nghị định.

moi-truong-kcn.jpg
Cần sớm tháo gỡ “nút thắt” để khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển. Ảnh: ST

Việc phát triển các KCN đang đặt ra nhiều thách thức do công tác quy hoạch chưa bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, chưa cân đối và tối ưu hóa nguồn lực. Phần lớn các KCN phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa có KCN chuyên biệt dẫn đến không gia tăng được hiệu quả sử dụng hạ tầng chung. Việc thay đổi mô hình KCN là tất yếu theo lộ trình hướng tới KCN hiện đại, KCN công nghệ cao, KCN sinh thái, KCN xanh và thân thiện với môi trường...

TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Trong khi đó, hoạt động của KCN, KKT liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Quy hoạch, đầu tư, DN, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động... nhưng nhiều điểm chưa được quy định rõ, thiếu và chưa thống nhất, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh trong KCN, KKT.

Thứ hai, chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn về phát triển trong nền kinh tế, trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác, với vùng và với xã hội.

Quy hoạch dàn trải khiến tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch phát triển KCN, KKT với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị chưa cao. Việc phát triển KCN, KKT theo định hướng bền vững, hình thành chuỗi giá trị giữa các DN trong và ngoài KCN, KKT chưa được chú trọng.

Thứ ba, loại hình phát triển của các KCN, KKT chậm được đổi mới, trong khi mô hình phát triển các KCN, KKT, đặc khu kinh tế trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa và phát triển bền vững... thì các KCN tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy.

Tính đến hết tháng 12/2022, các KCN, KKT đã thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33,19% (giai đoạn 2011-2015) và 29,49% (giai đoạn 2016-2018). Vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT khoảng 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong KCN, KKT là 212 tỷ USD.

Trong vài năm gần đây, một số loại hình KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN phụ trợ đã bước đầu hình thành tại một số địa phương, song số lượng còn hạn chế.

Thứ tư, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu hướng tới cơ cấu ngành nghề có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường. Tính liên kết ngành trong KCN, KKT, cũng như với các KCN, KKT trên địa bàn và trong vùng để phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, tăng giá trị gia tăng sản xuất chủ yếu hình thành tự phát ở một số địa bàn nhưng mức độ liên kết chưa chặt chẽ.

Đến nay, KCN, KKT đã thu hút được dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó: Hàn Quốc với gần 2.500 dự án, Nhật Bản hơn 1.500 dự án, Singapore gần 450 dự án... Một số chuỗi các KCN lớn do các tập đoàn quốc tế đầu tư đã trở thành biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Điển hình như: Hệ thống KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) với 09 dự án công nghiệp - dịch vụ - đô thị được hình thành từ ý tưởng hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore; KCN Nomura (tại Hải Phòng), KCN Thăng Long I, II, III (tại Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc), KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (tại Bà Rịa - Vũng Tàu) là minh chứng cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam...

Thứ năm, KCN, KKT phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội, thể hiện rõ ở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường chưa đồng bộ. Việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường chưa nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về môi trường. Hạ tầng xã hội (nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, chương trình phúc lợi phục vụ người lao động) chưa được gắn kết, đồng bộ với phát triển KCN, KKT.

Thứ sáu, hiệu quả sử dụng đất tại KCN, KKT chưa cao. Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong KCN là 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Tỷ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp. Bên cạnh đó, tình trạng dự án chậm triển khai, xin giao đất, cho thuê đất vượt quá nhu cầu còn khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, lãng phí nguồn lực đất đai.

Tính đến tháng 12/2022, trên cả nước đã hình thành hệ thống: 407 KCN (tính cả 4 khu chế xuất) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha (trong đó, 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đã cho thuê 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72% và 115 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản); 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.

Thứ bảy, nguồn vốn NSNN hỗ trợ phát triển hạ tầng KCN, KKT còn thấp so với nhu cầu; mức vốn phân bổ hằng năm còn hạn chế; việc phân bổ vốn kéo dài dẫn đến chậm hoàn thành các hạng mục, giảm hiệu quả vốn đầu tư, trong khi huy động từ các nguồn lực khác còn hạn chế.

Thứ tám, tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với KCN, KKT chậm được kiện toàn, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN, KKT chưa rõ ràng, ổn định, nhất quán, chưa được phân cấp đầy đủ và đủ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa, tại chỗ” của Chính phủ.

Để cởi những “nút thắt” này, việc xây dựng và ban hành Luật KCN, KKT là hết sức cần thiết nhằm tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; giúp quy hoạch và phát triển KCN, KKT đảm bảo tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng khả năng thu hút đầu tư, tăng tính liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững.

Có những ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư, trong đó có chính sách thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KCN, KKT mới...; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KCN, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”./.

Cùng chuyên mục
  • Bất cập trong chính sách pháp luật về đất đai qua góc nhìn kiểm toán
    7 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Dù đã có kết luận thanh tra, kiểm toán, song địa phương không thực hiện thu hồi dự án không triển khai, chậm tiến độ; vấn đề định giá đất nông nghiệp chưa hợp lý là nguyên nhân chính dẫn tới bức xúc, chưa đồng thuận của người dân khi Nhà nước thu hồi đất… Hàng loạt “nút thắt” trong quản lý và sử dụng đất đai đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra đang rất cần những giải pháp căn cơ cùng tháo gỡ từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới…
  • Để đầu tư công trở thành động lực phát triển kinh tế
    7 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Đầu tư công (ĐTC) là động lực cho tăng trưởng kinh tế thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ĐTC vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế. Điều này đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kiểm toán.
  • Kiểm toán nhà nước đồng hành thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế
    7 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Ngày 18/10, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Diễn đàn với chủ đề: “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của KTNN”. Nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của sự kiện này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết: Diễn đàn sẽ làm rõ các vấn đề đặt ra từ kết quả kiểm toán, nhận diện những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt, từ đó tìm giải pháp có tính khả thi cao giúp Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những nút thắt.
  • Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước”
    7 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Ngày mai (18/10), tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ chủ trì tổ chức Diễn đàn: “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
  • Chú trọng làm tốt công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đây là một trong những nội dung được đại diện các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN) đề cập, qua xem xét báo cáo kết quả công tác quý III/2023 của KTNN.
Nhiều “nút thắt” đang cản trở sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế