Kiến nghị tăng thu NSNN hơn 4.600 tỷ đồng qua kiểm toán, đối chiếu
Báo cáo Quốc hội về quyết toán NSNN năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý, điều hành chi NSNN chủ động, chặt chẽ; quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập như: Việc thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí NSNN ở một số Bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa đảm bảo đúng quy định...
Làm rõ hơn những tồn tại qua kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chỉ rõ, tại thời điểm lập dự toán, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa dự báo được, Chính phủ dự báo thận trọng dẫn đến ước thực hiện thu năm 2020 làm cơ sở dự toán năm 2021 thấp; lập dự toán thu một số chỉ tiêu thu chưa phù hợp. Trong đó, dự toán thu tiền sử dụng đất do các địa phương lập thấp hơn so với khả năng thu dẫn đến việc thực hiện năm 2021 vượt 74% so với dự toán giao.
Quyết toán thu NSNN 1.591.411 tỷ đồng, bằng 117,2% (tương ứng vượt 233.327 tỷ đồng) so với dự toán giao; trong đó: Thu nội địa vượt 15,9% dự toán giao; thu xuất nhập khẩu vượt 19,7% dự toán giao; thu dầu thô vượt 92,4% dự toán giao.
Bình luận về số liệu này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong năm 2021 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí mà số tăng thu NSNN vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát; đề nghị phải nghiên cứu, sửa đổi Luật NSNN để có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, không dàn trải, thất thoát, lãng phí số tăng thu NSNN.
Đáng chú ý, qua kiểm toán, đối chiếu, KTNN phát hiện tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác. Từ đó, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN là 4.641,3 tỷ đồng. Kết quả chọn mẫu, kiểm toán việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho thấy, còn tình trạng khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho các chi nhánh không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh trong khi các công ty mẹ của các chi nhánh này vẫn đang hoạt động hoặc tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn; khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho người nộp thuế đang hoạt động hoặc tạm nghỉ kinh doanh, khoanh nợ tiền thuế nhưng không có thông tin người nộp thuế hoặc khoanh cao, thấp hơn số nợ theo dõi trên sổ nợ thuế...
Hủy dự toán hàng chục nghìn tỷ đồng
Về chi NSNN, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra một loạt tồn tại. Đó là tỷ lệ giải ngân vốn ngoài nước chỉ bằng 36,53% kế hoạch giao; trong đó một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí không giải ngân. Đáng chú ý, số vốn nước ngoài năm 2021 bị hủy khá lớn (trên 20.000 tỷ đồng vốn ODA các Bộ, địa phương đề nghị trả lại), ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay.
Bên cạnh đó, còn tình trạng một số dự án của địa phương được giao bổ sung kế hoạch vốn nhưng không giải ngân hết trong năm, phải kéo dài sang năm 2022; kế hoạch vốn năm trước kéo dài sang năm 2021 nhưng một số Bộ, cơ quan trung ương không giải ngân hết, không được phép kéo dài, phải hủy dự toán hơn 4.900 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 được kéo dài trong năm 2021 nhưng không giải ngân được phải hủy hơn 339 tỷ đồng.
Các tồn tại, hạn chế trong công tác lập, tổ chức triển khai thực hiện dự toán, quyết toán chi đầu tư đã kéo dài nhiều năm, nhưng không được xử lý dứt điểm; tác động, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, xác định bội chi NSNN, kế hoạch vay trả nợ không chính xác, gây lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá.
Trong chi thường xuyên, KTNN chỉ ra, một số khoản chi sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương (NSTW) có tỷ lệ thực hiện khá thấp so với dự toán (chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề chỉ đạt 59,2% dự toán, lĩnh vực khoa học và công nghệ chỉ đạt 71% dự toán, lĩnh vực bảo vệ môi trường đạt 75% dự toán).
Đặc biệt, tổng chi chuyển nguồn năm 2021 là 776.351 tỷ đồng, bằng 31,2% tổng chi cân đối NSNN, cho thấy số chuyển nguồn tiếp tục tăng cao cả về số tương đối và số tuyệt đối so với những năm gần đây. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, số chi chuyển nguồn lớn cùng với việc hủy bỏ, thu hồi các khoản chi không đúng quy định triển khai rất chậm. Trong đó, việc cho phép các địa phương tiếp tục chuyển nguồn sang năm 2022 các khoản chi sai quy định, số hủy dự toán các khoản NSTW hỗ trợ cho các địa phương từ các năm trước, không đưa vào quyết toán để cắt giảm bội chi NSTW năm 2021 là rất bất hợp lý, không thể hiện đúng bản chất số quyết toán thu, chi, bội chi NSTW và rất khó khăn trong việc theo dõi thu hồi, gây thất thoát, lãng phí nguồn NSNN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 không nghiêm, không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm./.
“- Là cơ quan tham mưu cho Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao - KTNN muốn trở thành một công cụ góp phần điều hành kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Báo cáo kiểm toán cần vươn lên ở tầm vĩ mô và dài hơi hơn, phải đi sâu thêm vào vấn đề thể chế, phải có những kiến nghị về thể chế và những kiến nghị đó phải có tính đột phá dựa trên phân tích khoa học mà kết quả kiểm toán đã công bố.
- Chúng ta phải sử dụng rất tốt kết quả kiểm toán thì mới phục vụ tốt công tác điều hành kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Còn hiện nay, chúng ta có kết quả kiểm toán nhưng việc sử dụng chưa được như ý, vẫn còn lãng phí tài nguyên. Nếu chúng ta gọi kết quả kiểm toán là tài nguyên của Quốc hội, của đất nước mà Quốc hội quản lý thì phải sử dụng nó tốt hơn nữa”.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia