Lấy phiếu tín nhiệm, Luật Nhà ở (sửa đổi) được quan tâm đặc biệt
Trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2023 và các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2021-2025. Thảo luận ở tổ và bên hành lang Quốc hội, các đại biểu bày tỏ lo ngại khi nghịch lý “nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn”. Đồng thời lo lắng khi chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, dù kỳ vọng rất lớn, được Quốc hội thảo luận với quyết tâm rất cao nhưng việc triển khai còn rất chậm. Đầu tư công tưởng chừng không có tiền để chi tiêu, nhưng có tiền rồi vẫn không giải ngân được.
Một nội dung đặc biệt quan trọng nữa trong tuần làm việc đầu tiên, đó là Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng phiếu kín đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm dựa trên những đánh giá toàn diện và thấu đáo của đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm. Các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ở khối Quốc hội đều đạt tỷ lệ tín nhiệm cao, điều này cho thấy những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả của Quốc hội thời gian qua.
Đối với những ngành, lĩnh vực trực tiếp tác động đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, như: Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo... có số phiếu “tín nhiệm thấp” cao cho thấy đây là những lĩnh vực người dân và các đại biểu Quốc hội đòi hỏi các Bộ trưởng, trưởng ngành phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa để khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, từ đó tác động lan tỏa tới công tác chỉ đạo, điều hành của các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt là khả năng điều hành của các “tư lệnh ngành” từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Cũng trong tuần đầu tiên, các phiên thảo luận ở Hội trường cũng rất sôi nổi khi cho ý kiến vào 6 dự thảo Luật được Quốc hội tiếp thu để thông qua tại Kỳ họp này. Trong đó, đáng chú ý là Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Quy định chặt chẽ hơn việc phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân, nhất là các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, phòng cháy, chữa cháy là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu đề nghị, trong nhà nhiều căn hộ, nhiều tầng thì phải đảm bảo quy định về pháp luật xây dựng, đảm bảo về mặt thiết kế, tiêu chuẩn về kỹ thuật, đặc biệt, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cấp giấy phép cho các căn hộ này thì phải áp dụng theo pháp luật về đất đai. Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa rồi cho thấy khâu quản lý, kiểm tra, giám sát còn yếu. Do đó cần phải siết lại khâu quản lý; phải được kiểm tra và đánh giá sát sao về phòng cháy, chữa cháy, về an toàn kỹ thuật...
Việc giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa vô cùng lớn
Bước sang tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Sự thành công của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia này là quan trọng, bởi Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên cho sự phát triển cân bằng của tất cả các nhóm dân cư trên địa bàn toàn quốc. Vì thế, giám sát của Quốc hội vào thời điểm giữa kỳ với 3 chương trình này có ý nghĩa vô cùng lớn. Giúp nhìn lại chặng đường đã qua một cách toàn diện, từ đó làm rõ các vướng mắc, hạn chế và trách nhiệm của từng Bộ, ngành; đồng thời tìm giải pháp tạo chuyển biến căn bản hơn trong việc thực hiện 3 chương trình sau giám sát.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đánh giá của Đoàn giám sát của Quốc hội, kết quả triển khai các chương trình giai đoạn này bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, giúp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10-28/11/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 (15 ngày): Từ ngày 23/10-10/11; Đợt 2 (7,5 ngày): Từ ngày 20 đến sáng 28/11. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý và tổ chức thực hiện, đặc biệt là công tác giải ngân còn chậm. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước đến ngày 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 tháng năm 2023 đạt 79,82% kế hoạch năm 2022; kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đến ngày 31/8/2023 đạt 41,9% kế hoạch).
Cùng với đó, Quốc hội dành 2 ngày thảo luận tại Hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Dự kiến, Quốc hội sẽ dành cả ngày 03/11 để thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian thảo luận về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong tuần này.
Đáng chú ý, theo Chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày (từ ngày 06/11 đến hết buổi sáng 08/11) để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, sẽ chất vấn tổng thể chung nhưng để tạo thuận lợi và tiện theo dõi, phiên chất vấn sẽ tiến hành theo nhóm các lĩnh vực, gồm: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng nhà nước…); nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, xây dựng…); nhóm lĩnh vực văn hóa - xã hội và nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán nhà nước...
Cử tri cả nước đang dõi theo Kỳ họp thứ 6, đều gửi gắm niềm tin, kỳ vọng những ngày tới, Quốc hội và các vị đại biểu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ thảo luận kỹ lưỡng, nhận diện thật rõ, bàn bạc và đưa ra những quyết sách phù hơp, quan trọng. Trong đó, đề ra được giải pháp quyết liệt và hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII Đảng./.