“Cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”

(BKTO) - Trên cương vị là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ, đảng viên trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Người nêu rõ: Mọi công việc, nghị quyết, khẩu hiệu, kế hoạch của Đảng đều do cán bộ, đảng viên của Đảng cố gắng làm, chấp hành, thực hiện.

2.(1).png
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và huấn thị tại Hội nghị cán bộ của lực lượng Công an nhân dân, ngày 29/4/1963. Ảnh sưu tầm

Người cũng xác định, chính sách của Đảng đều do cán bộ, đảng viên mà thấu đến, triển khai trong quần chúng và chất lượng cán bộ quyết định hiệu quả việc thực hiện: “Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có chính sách đúng chính là nguồn gốc của thắng lợi, nhưng từ nguồn gốc muốn đi đến thắng lợi thực sự thì còn cần phải tổ chức, phải đấu tranh. Người chỉ ra: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra”. Người kết luận: “Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”.

Vì vậy, Người xác định phải sử dụng tốt cán bộ để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước. Nói chuyện tại công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải vào ngày 20/9/1958, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Cán bộ cần phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể nhân dân” và “Mục đích khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ”.

Cùng với việc khẳng định những thành công, Hồ Chí Minh cũng nêu rõ hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước và những biện pháp sửa chữa, khắc phục. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng vào tháng 02/1951, Người phát biểu: “Điểm lại từ ngày thành lập đến nay, nói chung chính sách của Đảng ta đúng. Không đúng sao lập được những thành tích lớn lao như vậy?”, “Nhưng có mấy khuyết điểm và nhược điểm lớn dưới đây”. Đó là: “Vì việc học tập chủ nghĩa non kém, cho nên tư tưởng của nhiều cán bộ và đảng viên chưa thuần thục, trình độ lý luận còn non nớt. Do đó, trong khi thi hành chính sách của Đảng và Chính phủ, đã xảy ra những khuynh hướng sai lầm hoặc “tả” hoặc “hữu”... Hay: “Công tác tổ chức còn kém, cho nên nhiều khi không đảm bảo được việc thi hành đúng chính sách của Đảng và của Chính phủ”.

Hồ Chí Minh còn nêu ra những căn bệnh cụ thể xuất hiện ở cơ quan lãnh đạo các cấp “là những bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần”. Người đồng thời thẳng thắn chỉ rõ: “Trung ương cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Vì Trung ương chưa chú trọng việc kiểm tra. Sự huấn luyện về chủ nghĩa tuy có nhưng chưa được khắp, chưa được đủ. Dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện rộng rãi. Phê bình và tự phê bình chưa thành nền nếp thường xuyên”.

Từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng, Nhà nước phải có chủ trương, chính sách đúng và phải có các giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện hiệu quả trên thực tế, trong đó có vai trò quan trọng của công tác cán bộ. Người nêu rõ: “Vì vậy, học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức - là những việc cần kíp của Đảng”. Người thường xuyên chỉ ra rằng: Đảng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân bằng đường lối, chính sách và khi Đảng, Nhà nước chăm lo tốt cho nhân dân thì mọi việc của Đảng, Nhà nước sẽ được nhân dân ủng hộ, chính vì vậy mà: “…Cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Hồ Chí Minh căn dặn: Khi quan tâm đến nhân dân, cán bộ các cấp từ Trung ương đến cơ sở luôn phải là người có đức, có tài, có uy tín, gương mẫu trước nhân dân trong thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước. Người nói: “Các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” và: “Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung”.

Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến việc cán bộ cần phải tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu và nghiêm túc chấp hành chính sách, tránh căn bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Ngày 24/11/1954, trong bài viết “Việc nhỏ, ý nghĩa to” đăng trên Báo Nhân dân, Người viết: “Đồng bào ta rất tốt. Nếu cán bộ không quan liêu, mệnh lệnh, mà khéo giải thích kỹ càng cho mọi người cùng hiểu rõ chính sách của Chính phủ, thì dù phải xuất tiền, xuất sức, đồng bào cũng vui lòng làm”. Còn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết vào tháng 10/1947, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân. Thế là phụ trách trước nhân dân. Trái lại việc gì cũng dùng cách quan liêu, cũng chỉ ra mệnh lệnh, thế là không phụ trách trước nhân dân. Thế là đem hai chữ “mệnh lệnh” làm thành một bức tường để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với chính sách của Đảng và Chính phủ”.

Thực hiện tư tưởng, lời dạy và tấm gương sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên làm gương lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm thành công đã được Đảng ta tổng kết: “Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp; phát huy dân chủ; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế cầm quyền, khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng”.

Và đó cũng là niềm tự hào, tin tưởng, là cơ sở, động lực tạo thêm sức mạnh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để tiên phong cùng với nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”./.

Cùng chuyên mục
  • Làm gì để trừng trị nghiêm minh những kẻ bất liêm?
    6 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất liêm là tham lam, tham ô, lãng phí, là hủ hóa; “là cái xấu xa do xã hội cũ để lại, như cái ung nhọt còn lại trên cơ thể của người khổng lồ”. Và Người chỉ rõ bất liêm chính là một thứ giặc, là kẻ thù của nhân dân. Từ đó, Người yêu cầu cần phải nghiêm trị những kẻ bất liêm.
  • Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như thế nào?
    6 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang tiếp tục thu được những kết quả tích cực, như đánh giá của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
  • Phát huy dân chủ và dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
    7 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Các cấp ủy đảng, chính quyền Thành phố Hà Nội đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện, ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
  • Đừng để bị dân tẩy
    7 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng đến việc xây dựng, giữ vững, tăng cường mối đoàn kết giữa cán bộ với nhân dân. Trong đó, làm thế nào để tránh bị “dân tẩy” là vấn đề quan trọng được quan tâm, có nhận thức đúng và giải pháp thực hiện hiệu quả.
  • Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn
    7 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực”. Và “Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn”.
“Cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”