Lực bán áp đảo
Lực bán áp đảo khiến VN-Index về sát mốc 1000 điểm - Nguồn: sưu tầm |
Không nằm ngoài dự bán phiên trước đó chỉ là một nhịp hồi kỹ thuật khi thị trường đã về vùng hỗ trợ mạnh, lực bán mạnh đã xuất hiện ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay 11/10, đẩy VN-Index lao nhanh xuống khu vực 1.025 điểm, trước khi bồi thêm một nhịp xả trước thời điểm kết phiên sáng và chỉ số tạm dừng ở mức 1.013 điểm.
Trong phiên chiều, áp lực bán mạnh tiếp tục được duy trì khiến mốc 1.000 điểm liên tục bị đe dọa. Song, cứ mỗi lần VN-Index để thủng mốc này, cầu bắt được được khởi động và chỉ số được kéo trở lại.
Dẫu vậy, lực mua vẫn rất dè dặt nên không đủ sức đẩy VN-Index bật trở lại và càng về cuối phiên, chỉ số càng lùi gần hơn mức 1.000 điểm, tức giảm hơn 36 điểm với thanh khoản giảm thấp.
Kết phiên, VN-Index giảm 36,28 điểm xuống 1.006,20 điểm; toàn sàn có 46 mã tăng, 435 mã giảm và 37 mã đứng giá. HNX- Index giảm 11,07 điểm xuống 218,78 điểm; toàn sàn có 37 mã tăng, 171 mã giảm và 30 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,19 điểm xuống 77,95 điểm; toàn sàn có 98 mã tăng, 195 mã giảm và 55 mã đứng giá.
Về khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn hơn 14.500 tỷ đồng; trong đó, khối lượng giao dịch tương ứng trên HOSE hơn 12.874 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 159,92 tỷ đồng trên sàn HOSE, nổi bật mua VIC, DGC, VNM, MSN, DPM...
Đà giảm mạnh phiên hôm nay đến từ các cổ phiếu Bluechips. Rổ VN30 ghi nhận đến 28 mã giảm điểm, nổi bật như BVH, FPT, HPG, KDH, MSN, MWG, NVL, PDR, PLX, VHM, VJC với mức giảm ghi nhận từ 1-6%, thậm chí GVR, POW, VRE giảm kịch sàn, qua đó khiến thị trường mất đi trụ đỡ.
Nhóm ngành vốn hóa lớn như ngân hàng cũng chịu áp lực bán mạnh và quay đầu giảm điểm ngay từ đầu phiên. Lực cung bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến phần lớn các cổ phiếu điều chỉnh giảm; trong đó, VPB là cổ phiếu duy nhất đóng cửa giá tham chiếu. Hàng loạt cổ phiếu như TCB, MBB, STB, SHB, TPB, LPB, MSB đóng cửa giá sàn “trắng bên mua”, từ đó trở thành một trong những tác nhân chính kéo điểm chỉ số thị trường giảm sâu.
Tương tự là nhóm chứng khoán, các cổ phiếu gần như cũng “đỏ đèo” song song với đà giảm mạnh của thị trường và gần như không có nhịp hồi. VCI gần như là cổ phiếu duy nhất đỏ điểm, trong khi các cổ phiếu còn lại như SSI, VND, HCM, SHS, FTS, MBS, CTS, VIX, VDS, BSI,… đồng loạt giảm hết biên độ, qua đó càng nới rộng đà giảm của thị trường chung.
Đà bán tháo trong phiên hôm nay tiếp tục ghi nhận lan tỏa ra toàn thị trường, qua đó tác động tiêu cực đến gần như toàn bộ các nhóm ngành nghề như xây dựng, bât động sản, hàng hóa, bảo hiểm, cảng biển.... Nhóm năng lượng giảm điểm trong bối cảnh giá dầu thế có xu hướng chững lại và điều chỉnh giảm, kết hợp với đà bán mạnh từ thị trường chung, khiến các cổ phiếu giảm điểm mạnh, thậm chí nhiều cổ phiếu giảm sàn.
Chu kỳ "tiền rẻ" đã qua
Chu kỳ "tiền rẻ" trên thị trường chứng khoán đã kết thúc - Nguồn: sưu tầm |
Chu kỳ “tiền rẻ” (lãi suất thấp) kéo dài trong hơn 2 năm vừa qua (để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19) đã kết thúc khi các ngân hàng trung ương vào cuộc đua tăng lãi suất. Điều này đã tác động mạnh đến diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu, cả ở khía cạnh điểm số và dòng tiền. Thị trường Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành.
Chỉ trong chưa đầy nửa tháng từ cuối tháng 9 đến nay, biểu lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh. Mặt bằng lãi suất tăng khiến cho kênh cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn. Thanh khoản thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng do sức ép rút tiền nhằm hạ margin, dòng tiền “nóng” cũng đã được rút ra khỏi thị trường trong bối cảnh khó hút thêm dòng vốn mới.
Hơn một tuần qua, VN-Index tiếp tục giảm điểm mạnh, bao trùm là những cung bậc cảm xúc sợ hãi, tuyệt vọng và hoảng loạn. Sự va đập quá lớn với nhiều nhà đầu tư trước các thông tin tiêu cực đã khiến họ chấp nhận cắt lỗ nặng nề. So với mức đỉnh, Vn-Index đã giảm khoảng 35%, trong khi tin xấu chưa ai dám khẳng định là đã ra hết.
Một thống kê của tỷ phú Adam Khoocho thấy, trong 72 năm qua có 11 lần thị trường rơi vào chu kỳ con gấu (bear market - thị trường giá xuống), tức là cứ 6,5 năm lại có một lần. Mức giảm điểm lớn nhất lên tới 57% diễn ra vào năm 2007, còn mức giảm trung bình của các lần thị trường gấu là 35%.
Sự bùng nổ mạnh mẽ giai đoạn nửa cuối năm 2021 đã làm cho nhiều nhà đầu tư quen cảm giác thị trường chứng khoán là một nơi điểm số chỉ có tăng mà không có giảm, rất dễ kiếm tiền, mở mắt là tăng giá… Tuy nhiên, đến nay những nhà đầu tư ít kinh nghiệm cũng đã ngộ ra, đã qua rồi thời kỳ của “tiền rẻ”, qua rồi thời điểm nóng sốt của thị trường chứng khoán.
Thị trường đã trở lại với sự sàng lọc khắt khe của nó, khi thanh khoản sụt giảm mạnh, chu kỳ “tiền rẻ” đã không còn. Nhà đầu tư không có lựa chọn khác ngoài giải ngân có kế hoạch, giao dịch bình tĩnh hơn và làm quen với sự thay đổi của thị trường. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư thích nghi hơn với diễn biến hiện tại và sắp tới, kiểm soát tốt hơn những cảm xúc của cá nhân, để không bỏ cuộc trên con đường đầu tư dài hơi.
Phía trước có thể tiếp tục là con đường khó khăn khi thị trường biến động mạnh và nhiễu tín hiệu kỹ thuật có thể khiến nhà đầu tư tiếp tục chán nản. Sự kiên nhẫn, tỉnh táo vào những thời điểm nhạy cảm có lẽ là yếu tố cần thiết mà mỗi doanh nhân, mỗi nhà đầu tư vẫn cần rèn luyện trong thời gian tới.
Nam Sơn