ĐBSCL cần xây dựng được mô hình tập trung hóa sản xuất, thu mua, phân phối để tạo sự ổn định cho sản xuất và tiêu thụ. Ảnh sưu tầm |
Hiệu quả thấp do sản xuất còn thô sơ, lệ thuộc vào tự nhiên
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, vùng ĐBSCL chiếm 12% diện tích và 19% dân số của cả nước; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, đóng góp vào 32% GDP toàn ngành. Khu vực này hiện chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Đồng thời, ĐBSCL còn cung cấp nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ các ngành công nghiệp, phát triển kinh tế, dịch vụ khu vực phía Nam và cả nước.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là với biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp như, làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất cây trồng vật nuôi và làm mất đất sản xuất, sinh kế nông nghiệp bền vững có nguy cơ bị mai một… Trong khi đó, canh tác nông nghiệp tại đây nhìn chung còn thô sơ, khiến cho sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên.
Phương thức sản xuất nặng về thủ công cũng là rào cản để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất tại Vùng. Dẫn ví dụ, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, Vùng có trên 400 nghìn hécta đất trồng cây ăn quả, chiếm gần 40% tổng diện tích cây ăn quả cả nước với sản lượng hàng năm 4,3 triệu tấn và giá trị sản xuất đạt 48.651 tỷ đồng/năm. Khó khăn, thách thức hiện nay trên lĩnh vực này là khâu thu hoạch, xới đất bón phân vẫn chủ yếu làm thủ công; cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch trái cây còn hạn chế… “Việc áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất, thu hoạch hết sức quan trọng nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường” - ông Thịnh lưu ý.
Việc áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất, thu hoạch đóng vai trò quan trọng để giúp nông nghiệp Vùng phát triển. Ảnh: N.LỘC |
Theo ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, nhận thức rõ những khó khăn này, Chính phủ, Bộ NN&PTNT trong thẩm quyền đã ban hành nhiều chương trình, đề án với nhiều giải pháp nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất, cũng như nâng cao khả năng thích ứng. Mới đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp Vùng ĐBSCL, giai đoạn 2021-2025. Đề án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, liên kết chuỗi giá trị.
Xây dựng chuỗi cung ứng, tăng tính kết nối
Cùng với việc chú trọng đầu tư, hiện đại hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia cho rằng, xây dựng chuỗi cung ứng, gia tăng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại ĐBSCL là yêu cầu cấp thiết để góp phần phát triển nông nghiệp vùng bền vững. Bởi, mặc dù là vùng trọng tâm phát triển nông nghiệp của cả nước, nhưng chuỗi cung ứng ngành vẫn còn lỏng lẻo và rời rạc. “Nguồn cung phía nông dân và nguồn cầu ở phía doanh nghiệp không có sự tương tác, làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng” - ông Ngô Sỹ Đạt - nguyên Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp cho biết.
Từ thực trạng đó, các chuyên gia đã hiến kế để xây dựng ĐBSCL là nơi “Tập trung hóa sản xuất, tập trung hóa thu mua và tập trung hóa phân phối, giảm thời gian ra thị trường của nông sản”. Trong đó, hợp tác xã sẽ đóng vai trò quản lý, điều phối hoạt động sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm, còn doanh nghiệp đóng vai trò định hướng sản xuất theo thị trường, xây dựng thương hiệu cho nông sản; thiết lập mạng lưới thu mua nông sản trên toàn vùng... “Việc tập trung hóa sản xuất, thu mua và phân phối không chỉ nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng mà còn cho phép biến ĐBSCL thành một trung tâm nghiên cứu sáng tạo, thu hút các ngành công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm phát triển theo” - ông Đạt cho biết thêm.
Xây dựng chuỗi cung ứng, gắn với mạng lưới giao thông đường thủy để phát triển nông nghiệp Vùng ĐBSCL. Ảnh: N.LỘC |
Thông tin về vấn đề này, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, xây dựng mô hình liên kết, cung ứng trong nông nghiệp cũng là chủ trương được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo chỉ đạo, Bộ đang chủ trì xây dựng các Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBSCL để ban hành trong năm nay. Còn tại TP. Cần Thơ, nơi được lựa chọn để xây dựng Trung tâm của Vùng cũng đang chuẩn bị các công việc cần thiết, như: giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông… Riêng với vấn đề thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Việt Trường nhấn mạnh, do định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại, có yếu tố công nghệ nên địa phương sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư có giải pháp công nghệ cao tham gia cung cấp dịch vụ về nông nghiệp, trong đó, nhà đầu tư nắm giữ chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu được coi là đối tượng ưu tiên.
Song song với việc xây dựng trung tâm liên kết, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Chính phủ cần huy động các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng logistics phục vụ hệ thống trung tâm đầu mối nông sản, tạo sự liên kết giữa đường bộ và đường thủy, hệ thống hạ tầng kho bãi... “Đây là nút thắt song cũng là sẽ đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL nếu làm tốt” - ông Thịnh cho biết và nhấn mạnh, để làm được điều này, nguồn lực công là không đủ, mà các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông Vùng, tăng cường đào tạo nhân lực logistics chất lượng cao…
Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, hướng tới hình thành “Một điểm đến, đa dịch vụ”. Trung tâm Vùng, cùng với các trung tâm chuyên ngành khi vận hành sẽ giúp các mặt hàng nông sản toàn vùng ổn định đầu ra, nâng cao giá trị… |