Tỷ lệ nợ BHXH, BHYT còn cao
Tính đến hết tháng 9/2022, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh chiếm 3,48% số thu được giao. Mặc dù vẫn ở ngưỡng thấp hơn so với tỷ lệ nợ chung của toàn ngành (khoảng 5%), nhưng so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao phấn đấu giảm nợ năm 2022, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT tại Bắc Ninh còn cao. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Đối với đơn vị đã dừng hoạt động nhưng chưa làm thủ tục giải thể, phá sản vẫn đang phát sinh thu hằng tháng, rất cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền và BHXH Việt Nam sớm có giải pháp tháo gỡ, không để phát sinh nợ ảo. Thực tế đơn vị không có lao động, không có thanh toán tiền lương, cơ quan BHXH không liên hệ được với đơn vị, BHXH tỉnh cần tăng cường thực hiện công tác thanh tra đột xuất đơn vị nợ.
Các doanh nghiệp (DN) để nợ tiền kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi hợp pháp của người lao động (NLĐ) như: NLĐ đi khám chữa bệnh không được hưởng quyền lợi BHYT tại cơ sở y tế; NLĐ không được thanh toán kịp thời chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, không được xác nhận sổ BHXH để thanh toán chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc…
Trong thời kỳ hậu Covid-19, số DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, ngừng hoạt động sản xuất, ngừng giao dịch với cơ quan BHXH ngày càng tăng. Số lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương, chưa đi làm trở lại tại các khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên giảm với số lượng lớn. Số giảm từ đầu năm 2022 là 10.819 người (giảm 2,52%) so với tháng 12/2021. Tỷ lệ giảm nợ đang cao hơn 0,69% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao phấn đấu giảm nợ quý III/2022.
Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp
Công tác đôn đốc thu, giảm nợ đang được triển khai quyết liệt. Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh Bắc Ninh giao số phải thu và tỷ lệ giảm nợ hàng quý theo kế hoạch của BHXH Việt Nam cho BHXH các huyện, thành phố; từng cán bộ chuyên quản thu đã chủ động bám sát đơn vị, đôn đốc thực hiện thu, nộp hàng tháng; thực hiện phân loại đơn vị nợ theo từng khối, từng loại hình đơn vị; chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; chia sẻ, động viên DN khắc phục khó khăn và tìm giải pháp có nguồn để thực hiện nộp tiền hằng tháng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch thu.
Bắc Ninh cũng chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố và Phòng Quản lý thu tăng cường lập kế hoạch đôn đốc nợ; thực hiện lập biên bản nợ và thông báo tình hình nợ tiền của DN; gửi thông báo thanh tra đột xuất tới tất cả các đơn vị nợ tiền BHXH từ 3 tháng trở lên, kiên quyết thực hiện thanh tra đột xuất đối với đơn vị không thực hiện nộp tiền theo quy định.
Việc khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT từ dữ liệu cơ quan Thuế đang được BHXH tỉnh đẩy mạnh thực hiện. BHXH tỉnh đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn đơn vị thực hiện rà soát lao động chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT hoặc tham gia chưa đầy đủ số lao động, với sự tham dự của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Cục Thuế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, đại diện Lãnh đạo và cán bộ làm trực tiếp công tác BHXH của các đơn vị tham dự. Sau Hội nghị tuyên truyền, BHXH phân công cán bộ, chia tổ rà soát và có thông báo mời đại diện các đơn vị sử dụng lao động cung cấp tài liệu, hồ sơ, đến làm việc tại BHXH tỉnh để thực hiện rà soát, đối chiếu hồ sơ của đơn vị với dữ liệu quản lý của cơ quan BHXH. Đối với đơn vị không thực hiện, BHXH tỉnh sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện thanh tra đột xuất theo quy định.
BHXH Bắc Ninh và Cục Thuế tỉnh đã cung cấp và chia sẻ dữ liệu thông tin mới nhất có thể, qua đó đảm bảo giá trị sử dụng, hiệu quả thực tế của thông tin được kịp thời. Đơn cử như với thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế, hai bên quy định việc cung cấp, chia sẻ được thực hiện hằng tháng, từ đó cơ quan BHXH thực hiện thông báo đơn vị sử dụng lao động rà soát, hướng dẫn đơn vị đăng ký đóng BHXH, BHYT cho người lao động đối với các trường hợp có hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.
BHXH tỉnh Bắc Ninh đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với BHXH các huyện, thành phố; giao kế hoạch thu, nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, thanh tra và rà soát dữ liệu Thuế trong 4 tháng cuối năm để các đơn vị chủ động thực hiện; Yêu cầu BHXH các huyện, thành phố chủ động, tích cực tham mưu Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác thu, phát triển người tham gia và giảm nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp năm 2022.
Hằng tháng, BHXH tỉnh phân loại DN nợ để có biện pháp đôn đốc thu, giảm nợ phù hợp. Với nhóm nợ từ 1-2 tháng, phải tăng cường đôn đốc thường xuyên; với nhóm nợ từ 3 tháng trở lên, nợ nhiều phải thực hiện thanh tra đột xuất ngay. Trường hợp đơn vị không thực hiện nộp tiền cũng như không đăng ký đóng BHXH, BHYT đối với lao động thuộc diện phải tham gia, BHXH tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an tỉnh để xem xét xử lý “Tội trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT cho NLĐ” theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018./.