Nợ thuế tăng, ngành thuế tăng cường các biện pháp thu hồi

(BKTO) – Ước tính đến cuối tháng 7/2023, nợ thuế tăng 2,4% so với cuối năm 2022. Trước thực trạng này, Tổng cục Thuế ban hành Văn bản yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.

thue-308.jpg
Đến ngày 31/7/2023, một số cục thuế có tiền thuế nợ tăng cao so với cuối năm 2022. Ảnh minh họa

Nợ thuế tăng 2,4% so với cuối năm 2022

Ngay từ đầu năm 2023, công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế đã được cơ quan thuế các cấp chú trọng triển khai. Đặc biệt, cơ quan thuế các cấp đã rà soát số nợ thuế đến ngày 31/12/2022, tiếp tục xử lý nợ theo quy định, xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2023 cho cơ quan thuế cấp dưới; tập trung đôn đốc các khoản tiền thuế đã hết thời gian gia hạn để nộp vào ngân sách, tránh tình trạng người nộp thuế bị tính tiền chậm nộp; thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp.

Ngành thuế cũng quyết tâm thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, phấn đấu tổng số nợ thuế đến ngày  31/12/2023 giảm xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, dịch Covid-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp (DN). Cùng với đó, giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động khiến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các tháng và tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý thu hồi nợ thuế.

Tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 7/2023 là 151.325 tỷ đồng, giảm 0,4% so với ngày 30/6/2023 nhưng tăng 2,4% so với ngày 31/12/2022.

Cục Thuế tỉnh Lào Cai cho biết, mặc dù cơ quan thuế đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý Thuế, đồng thời, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ra văn bản thông báo về việc nộp nợ thuế vào ngân sách nhà nước nhưng tiến độ thu nợ thuế vẫn còn thấp.

Ngày 07/7/2023, UBND tỉnh đã thông báo nợ thuế cho 32 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ trên hơn 425,7 tỷ đồng; trong đó, nợ thuế, phí, đất, chậm nộp hơn 261,6 tỷ đồng; nợ thuế đóng góp hơn 134,1 tỷ đồng.

Đến ngày 31/7/2023, số đã nộp vào NSNN của 32 DN này đạt trên 52 tỷ đồng; trong đó, số nộp thuế, phí, chậm nộp trên 42,7 tỷ đồng, số nộp đóng góp 11,5 tỷ đồng.

Số nợ đến ngày 31/7/2023 của 32 DN là hơn 360,8 tỷ đồng; trong đó, nợ thuế, phí, chậm nộp hơn 238,1 tỷ đồng, nợ thuế đóng góp hơn 122,6 tỷ đồng.

Cục Thuế TP. Đà Nẵng vừa công bố danh sách các DN bị cưỡng chế tài khoản vì nợ thuế quá hạn. Hầu hết các DN này nợ thuế do tiền thuê đất tăng cao, không có khả năng chi trả.

Theo đó, 150 DN bị cưỡng chế tài khoản với số tiền từ hàng triệu đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là những công ty đã nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế.

Các DN bị cưỡng chế thuế lần này tại Đà Nẵng phần lớn là các DN liên quan đến lĩnh vực bất động sản; DN xây dựng và các DN đầu tư khu du lịch, khu nghỉ dưỡng.

Tình hình nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng gia tăng. Tính đến thời điểm chốt nợ 30/4/2023, tổng tiền thuế nợ tăng 2.617 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022, bằng 13,64% dự toán giao thu năm 2023. Trong đó, nợ thuế phí tăng 1.370 tỷ đồng, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng 973 tỷ đồng, tiền phạt, chậm nộp và các khoản thu khác tăng 277 tỷ đồng…

bds.jpg
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế công khai thông tin của người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn, đặc biệt tập trung vào người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn và kéo dài. Ảnh: ST

Không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh

Trước thực trạng trên, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế rà soát, đảm bảo phân loại nợ đúng theo tính chất của từng khoản; hồ sơ phân loại nợ phải đầy đủ theo hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế.

Trường hợp sau khi rà soát, phát hiện khoản nợ đã phân loại chưa đầy đủ hồ sơ, chưa đúng tính chất nợ thì cục thuế phải hoàn thiện hồ sơ phân loại hoặc thực hiện phân loại lại để đảm bảo số liệu tiền thuế nợ theo dõi trên hệ thống TMS được phân loại đúng tính chất nợ và có đầy đủ hồ sơ.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế công khai thông tin của người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn, đặc biệt tập trung vào người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn và kéo dài.

Về việc đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế, Tổng cục Thuế sẽ thông báo danh sách chi tiết người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/7/2023 trên địa bàn cục thuế quản lý.

Đối với người nộp thuế, chỉ có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay các biện pháp (gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ) đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế vào NSNN, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.

Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế, các cục thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.

Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định./.

Cùng chuyên mục
Nợ thuế tăng, ngành thuế tăng cường các biện pháp thu hồi